Thứ Hai, 06/01/2020, 09:34 [GMT+7]

Bảo vệ môi trường: Lấy phòng ngừa là chính

(Congannghean.vn)-Năm 2019, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả cộng đồng, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hướng tới sự phát triển bền vững về môi trường, thời gian tới, định hướng của tỉnh là BVMT lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục, xử lý ô nhiễm, khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tích cực chung tay giải quyết chất thải nhựa và ni lông bằng việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường
Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tích cực chung tay giải quyết chất thải nhựa và ni lông bằng việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

Thời gian qua, công tác BVMT đạt được nhiều chuyển biến rõ nét. Các cơ quan quản lý đã tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh xả thải trên địa bàn. Một số UBND cấp huyện đã chú trọng hơn công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý cũng như quan tâm giải quyết cơ bản các phản ánh, kiến nghị của người dân về môi trường. Nhờ vậy, một số điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, các sự cố môi trường đã được tập trung xử lý kịp thời.

Cũng trong thời gian qua, đầu tư cho BVMT được chú trọng, đặc biệt là trong xử lý ô nhiễm môi trường các cơ sở y tế, các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từng bước được xử lý. Một kết quả đáng ghi nhận khác là công tác BVMT ở địa phương được đặc biệt quan tâm; với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước BVMT tại các xã, phường, thị trấn, thực hiện tốt tiêu chí môi trường của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 55 cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xác nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Còn 22 cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để, trong đó có 15 cơ sở công ích. Theo đánh giá, việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích (bệnh viện, các bãi xử lý rác, các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…) và nhiều dự án đầu tư xây dựng bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh triển khai chậm. Về công tác phòng ngừa ô nhiễm, vẫn chưa thực hiện việc bố trí và công khai các điểm tập kết rác thải xây dựng. Ngoài ra, việc quản lý môi trường làng nghề nhìn chung chưa được các địa phương chú trọng quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí hoàn thiện hạ tầng BVMT của các làng nghề.

Liên quan đến công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát và xử lý ô nhiễm, nhiều UBND cấp huyện vẫn chưa chủ động rà soát, lập kế hoạch và triển khai kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn công tác BVMT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng do cấp huyện xác nhận hồ sơ môi trường. Do đó, số lượng cơ sở được UBND cấp huyện kiểm tra hàng năm còn rất ít so với số cơ sở đã được cấp xác nhận hồ sơ môi trường; một số đơn vị cấp huyện thậm chí không lập đoàn kiểm tra, giám sát. Đáng lưu ý là việc xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT còn ít.

Năm 2019, các sở, ngành cấp tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, 24 đoàn thanh tra và 3 đoàn kiểm tra liên ngành đối với 65 cơ sở; qua đó lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 936 triệu đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt 1.030 vụ/1.095 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường (chủ yếu là gây ô nhiễm môi trường, vi phạm về chất thải nguy hại, khai thác khoáng sản trái phép....), xử lý vi phạm hành chính với số tiền 3,8 tỉ đồng. Về phía cấp huyện, đã tổ chức kiểm tra 258 cơ sở; qua đó xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ sở với số tiền hơn 169 triệu đồng.

Liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là lĩnh vực trang trại, xi măng, khai thác khoáng sản, chế biến thủy sản…, nổi lên tình trạng chậm trễ trong việc khắc phục ô nhiễm. Về các cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư, nguồn vốn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước nên hạ tầng được đầu tư không đồng bộ hoặc chưa có hạ tầng xử lý môi trường. Năm 2019, số lượng các cơ sở xác nhận hoàn thành công trình BVMT còn ít, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, tại khu vực nông thôn, điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa cao, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp còn tùy tiện. Cụ thể, chất thải rắn nông thôn chỉ mới thu gom, xử lý đạt 41,5%, vận chuyển đến các bãi rác quy hoạch theo chương trình nông thôn mới, số còn lại là tự thu gom, xử lý, không đảm bảo vệ sinh môi trường...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại kể trên, cụ thể là: Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BVMT ở cấp huyện, xã chưa được chú trọng, công tác chỉ đạo còn chưa kịp thời, sâu sát. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp còn có biểu hiện đối phó trong công tác BVMT. Việc thực hiện các kết luận thanh, kiểm tra của các doanh nghiệp chưa thật sự triệt để. Việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực BVMT chưa quyết liệt, còn thiên về nhắc nhở, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Về kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành các công trình BVMT và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường là rất lớn, trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp, hiệu quả kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa chưa cao, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn; dẫn đến việc xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường bị hạn chế…

Trước thực tế trên, để đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường, phục vụ tốt sự phát triển KT-XH của địa phương, định hướng của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt công tác thẩm định và cấp giấy phép về BVMT ở các cấp; trong đó chú trọng khâu khảo sát lựa chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ, với quan điểm không thu hút đầu tư đối với các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cùng với đó, thẩm định chặt chẽ tiêu chí môi trường trong công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong thẩm định và công nhận làng nghề.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; từng bước giảm nhẹ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực bãi rác, các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…; quản lý và kiểm soát hiệu quả các nguồn thải trọng điểm như khu vực chăn nuôi tập trung, bệnh viện, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng, các cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thủy, hải sản... Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sản phẩm sạch nhằm giảm áp lực, gánh nặng cho môi trường trong tương lai.

.

Thùy Dương

.