Kinh tế xã hội
Xưởng xẻ đá 'bức tử' suối Nậm Tôn
(Congannghean.vn)-Người dân địa phương cho hay, xưởng cưa, xẻ đá này đã hoạt động trong một thời gian dài “giữa thanh thiên bạch nhật”, xả nước thải không qua xử lý ra môi trường tự nhiên. Thế nhưng, không hiểu vì sao chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp và ngành chức năng liên quan lại không kiểm tra, xử lý triệt để? Phải chăng, xưởng đá xẻ này đang được ai đó “ưu ái” để ngang nhiên, coi thường sức khỏe cộng đồng?
Nước thải không qua xử lý chảy xuống dòng Nậm Tôn |
Từ thông tin phản ánh có được, mới đây, chúng tôi có dịp tìm hiểu thực tế xưởng đá xẻ Thiên Minh thuộc bản Cà, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Từ đằng xa, tiếng máy cưa, xẻ đá xây dựng (đá bó vỉa, lát vỉa hè - P.V) râm ran cả một vùng. Mỗi lần công nhân đưa đá vào xẻ, bụi trắng xóa tỏa ra cuồn cuộn bao trùm cả một vùng xung quanh, kèm theo đó là dòng nước thải (nước lạnh làm mát lưỡi cưa - P.V) màu trắng đục, thải thẳng ra môi trường tự nhiên.
Theo quan sát của chúng tôi, xưởng chế biến đá Thiên Minh nằm sát chân một dãy núi đá, tại thời điểm phóng viên ghi nhận, hiện trường xưởng xẻ đá này có 3 dàn máy xẻ đá đang hoạt động với hàng chục công nhân đang cần mẫn làm việc liên tục. Tại đây, nhiều khối đá được công nhân lần lượt đo vẽ kích thước đã định sẵn rồi đẩy vào lưỡi cưa, kèm theo đó là nước làm mát lưỡi cưa cũng được sử dụng liên tục khi cưa, xẻ, mài đá. Khi tảng đá tiếp xúc với lưỡi cưa, nước làm mát lưỡi cưa cũng được thải ra, một phần mạt đá mịn bay ra khu vực xung quanh tạo thành bụi, phần tiếp xúc với nước làm mát chảy xuống dưới máy cưa có màu trắng đục. Điều đáng nói, nguồn nước thải này không được thu gom xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên.
Qua sự chỉ dẫn của người dân, phóng viên tiếp cận miệng cống xả thải này và thấy rằng, dòng nước thải chảy từ trong xưởng chế biến đá, chảy qua phía dưới bờ tường rào xưởng đá rồi chảy theo một đoạn mương (dài khoảng 100 m, rộng khoảng 30 cm), trên mương được phủ kín bởi cỏ dại, có những đoạn mương đã được lót bạt nilông hoặc ống nhựa, dòng nước này chảy tiếp khoảng 300 m thì hòa xuống dòng suối Nậm Tôn. Khi cả 3 tổ máy cưa xẻ cùng hoạt động, ước chừng mỗi ngày xưởng cưa, xẻ đá này thải ra môi trường tự nhiên hàng chục khối nước thải chưa qua xử lý.
Nguồn tin cho hay, khi vào Khu công nghiệp Châu Quang, gặp người dân hay công nhân cứ hỏi xưởng xẻ đá Thiên Minh của ông K. thì ai cũng biết. Quả thật, trên đường đi vào xưởng, chúng tôi gặp một vài công nhân và người dân, hỏi đường đến xưởng xẻ đá của ông K, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Tìm hiểu được biết, ông K. là một cán bộ chủ chốt của Huyện ủy Quỳ Hợp.
Theo như lời của ông Phạm Công Truyền, Chủ tịch UBND xã Châu Quang thì khu đất nói trên là của ông K., còn tên đăng ký thành lập xưởng thì chưa nắm được cụ thể, phải kiểm tra lại. Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho biết thêm, Khu công nghiệp Châu Quang nằm trên địa bàn xã Châu Quang nhưng do UBND huyện Quỳ Hợp quản lý. Khi phóng viên thông tin việc xưởng đá Thiên Minh xẻ đá, xả thải nước bẩn ra môi trường, xã có biết việc này hay không? Ông Truyền nói rằng, cách đây hơn 1 tháng, đoàn kiểm tra của huyện và xã có vào kiểm tra, yêu cầu xưởng phải khắc phục việc xả thải. Khi được hỏi đoàn kiểm tra có lập biên bản và xử phạt hay không? Ông Truyền cho biết, đoàn chỉ kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu khắc phục và không xử phạt!
Như vậy, qua thông tin phản ánh sự việc và tìm hiểu thực tế của phóng viên thấy rằng, việc xưởng cưa, xẻ đá Thiên Minh tại bản Cà, xã Châu Quang có xả thải không qua xử lý ra môi trường và gây bụi bẩn xung quanh là hoàn toàn có thật. Việc xưởng đá này hoạt động rầm rộ giữa ban ngày nhưng coi thường việc đảm bảo vấn đề môi trường khu dân cư và xả thải không qua xử lý trong một thời gian dài mà không được các cơ quan chức năng địa phương và ngành môi trường các cấp kiểm tra, xử lý là điều khá bất thường? Vì xưởng đá nằm trên đất cán bộ Huyện ủy hay vì một động cơ, mục đích nào đó để các cơ quan chức năng các cấp phải chấp nhận “bó tay”, làm ngơ cho xưởng hoạt động mà không dám kiểm tra, xử lý triệt để?
V. Thành