Kinh tế xã hội
Xử lý nghiêm hành vi hợp pháp hoá xe nhập lậu
08:43, 13/12/2019 (GMT+7)
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tại Phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải (GTVT) đường bộ theo thủ tục hành chính do Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, chiều 12-12.
Tồn đọng 136.989 phương tiện quá thời hạn bị tạm giữ
Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9-2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ hơn 4,2 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó xe máy chiếm 92,1%, ô tô chiếm 5,8%.
Cũng tính đến tháng 9-2019, tại Công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được (chiếm 3,18%). Trong đó, số phương tiện thuộc sở hữu cá nhân chiếm 85,5%; còn lại là phương tiện thuộc chủ sở hữu tổ chức và chưa xác định được chủ sở hữu.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tạm giữ, tịch thu phương tiện GTVT đường bộ: Các văn bản quy định, hướng dẫn chưa đầy đủ nên áp dụng pháp luật khó khăn; thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu; chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện đã quá hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận...
Về thực tiễn, theo đồng chí Thứ trưởng, việc gia tăng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được, dẫn đến tình trạng quá tải. Việc tạm giữ quá lâu khiến nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được (chiếm 27% số phương tiện tồn đọng).
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày báo cáo tại phiên giải trình |
Nhiều phương tiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không xác định được chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện bị tạm giữ do tình trạng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho phương tiện nhưng không thực hiện thủ tục sang tên; khi bị tạm giữ phương tiện, người vi phạm đến cơ quan chức năng giải quyết không xuất trình được giấy tờ hợp pháp.
Thêm nữa, điều kiện cơ sở vật chất của Công an các đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Thủ tục tạm giữ, tịch thu, thanh lý còn phức tạp. Nhiều trường hợp phương tiện tịch thu có giá trị thấp, sau khi bán đấu giá thì số tiền thu được không đủ trừ chi phí để chi trả cho việc thực hiện thủ tục giám định, định giá, thuê vận chuyển, bảo quản và chi phí tiêu huỷ khi phương tiện không thanh lý được hoặc không có giá trị sử dụng...
Đề xuất xã hội hoá việc đầu tư địa điểm tạm giữ phương tiện vi phạm
Từ thực tiễn nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và các văn bản liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ.
Kiến nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 74 theo hướng, đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt VPHC 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên giải trình |
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp không đến nhận lại thì cần rút gọn các thủ tục xử lý tài sản, tránh trường hợp bị tồn đọng lâu ngày, phát sinh chi phí quản lý, bảo quản. Đề nghị bỏ quy định về phí lưu kho, bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện; nghiên cứu đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng không làm thủ tục sang tên khi mua, bán, cho, tặng phương tiện.
Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể mức phí tạm giữ phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định pháp luật được đầu tư các địa điểm tạm giữ phương tiện, có thu phí theo quy định của Bộ Tài chính để huy động nguồn lực xã hội và giảm tải áp lực về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà nước...
Đề nghị tiêu huỷ xe giá trị thấp, không đủ điều kiện lưu hành
Thảo luận tại phiên giải trình, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đánh giá trách nhiệm của ngành Công an trong vấn đề này là nặng nề nhất, đồng thời đề nghị đối với những phương tiện giá trị thấp, không đúng công năng, không đủ điều kiện lưu hành thì làm thủ tục rút gọn để thanh lý. “Tuy nhiên nếu tiền thu về mà không bù chi phí nên chăng tiêu huỷ đi, bán thẳng vào phế liệu? Chứ thủ tục rút gọn rồi mà chi phí vẫn nhiều hơn thì không hợp lý”, đại biểu nói.
Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nêu thực tế việc tạm giữ phương tiện cực kỳ khó khăn, vì ở xã, phường không có kho bãi. “Nhiều phương tiện bán không ai mua, cho không ai lấy, là đống sắt vụn rồi nhưng vẫn phải kéo dài việc tạm giữ. Tôi đề nghị sớm nghiên cứu, xem xét, xử lý chỗ này, không thì sẽ lãng phí tài sản xã hội” – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ băn khoăn, nếu vấn đề tạm giữ, tịch thu phương tiện làm không chặt chẽ thì đây sẽ là chỗ tiêu thụ xe gian, hợp pháp hóa xe lậu. “Dư luận phản ánh có trường hợp xe lậu giá trị cao, cố tình vi phạm để bị tạm giữ, đến khi xe thanh lý thì tìm cách mua bằng được. Từ xe bất hợp pháp sẽ thành hợp pháp”, vị ĐBQH đề nghị cần đưa ra giải pháp, nếu không với cách làm đó, xe gian, xe bất hợp pháp sẽ trở thành xe hợp pháp.
Toàn cảnh hội trường |
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong các quy định đều nói rõ quy trình giải quyết đối với những phương tiện mà chủ bỏ, đó là giám định số khung số máy; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và đấu giá. “Những cái này đã quy định trong quá trình chúng ta thực hiện. Còn đâu đó có dư luận, nếu phát hiện thì chúng ta phải truy tố trước pháp luật. Nếu các đồng chí có các thông tin liên quan vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này thì trao đổi lại để chúng tôi chỉ đạo xác minh làm rõ”, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh.
ĐBQH Phan Thái Bình cũng lo ngại việc nhiều phương tiện bị tạm giữ từ xe rất tốt trở thành xe bị hư hỏng, mất phụ tùng. “Có hay không tình trạng này, do quản lý không tốt hay do cái gì?”, ông hỏi, đồng thời đặt vấn đề trách nhiệm bồi thường.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong các quy định về tạm giữ phương tiện có thống kê các thiết bị, quá trình bàn giao có quy định cụ thể, có quy định xử lý đối với những vi phạm trong quản lý vật chứng. “Luật Hình sự cũng đã quy định, và trong thực tế chúng tôi làm thì chưa có trường hợp nào yêu cầu đòi bồi thường trong trường hợp bị như vậy. Tuy nhiên trong phần phòng ngừa các sai phạm mặc nhiên chúng ta cũng phải đề cập đến” – Thứ trưởng lý giải.
Nguồn: CAND