Kinh tế xã hội

Doanh nghiệp sẽ gặp khó vì giá đất tăng

09:06, 10/12/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua dự thảo điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2024, với mức tăng bình quân các loại đất từ 100% đến trên 300% so với khung giá đất hiện hành.

Đường Cao Thắng, TP Vinh có mức giá cao nhất là 65 triệu đồng/m2
Đường Cao Thắng, TP Vinh có mức giá cao nhất là 65 triệu đồng/m2

Theo dự thảo điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng, mức tăng bình quân các loại đất sẽ từ 100% đến trên 300% so với khung giá đất hiện hành, áp dụng từ ngày 1/1/2020 -31/12/2024.

Theo đó, về đất ở, khu vực TP Vinh, giá đất ở tăng từ 127 đến hơn 181%; giá cao nhất đạt 65 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 1 triệu đồng/m2. Tại huyện Kỳ Sơn, khu vực thị trấn, cao nhất là 10 triệu đồng/m2, thấp nhất là 500 nghìn đồng/m2 và các xã còn lại cao nhất là 4,5 triệu đồng/m2, thấp nhất là 70 nghìn đồng/m2. Liên quan đến giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không bao gồm đất thương mại, dịch vụ) bằng 50% so với mức giá đất ở có cùng điều kiện thuận lợi như nhau nhưng không thấp hơn mức giá tổi thiểu theo quy định của Chính phủ. Giá đất thương mại, dịch vụ tăng từ 50% lên bằng 60% so với mức giá đất ở. Đối với đất sản xuất kinh doanh phục vụ mục đích khai thác khoáng sản bằng 150% so với mức giá đất ở liền kề hoặc vị trí tương đương nhưng không vượt mức giá tối đa của đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ theo quy định của Chính phủ. Mức giá đất rừng sản xuất cũng được đề nghị điều chỉnh 50% do nảy sinh bất cập so với thực tiễn.

Lý giải về điều này, ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho rằng, thực chất chỉ tăng khoảng 35% so với trước, việc tăng vọt chỉ áp dụng một số tuyến đường kết cấu hạ tầng thay đổi. Đó là những tuyến đường mà trước là khu dân cư nông thôn, giờ Nhà nước đầu tư vào xây dựng tuyến đường đó lớn, giao thông thuận tiện, có sinh lợi thì sẽ tăng độ biến. Cũng theo ông Ngọc, giá đất thấp thì ảnh hưởng đến thu tiền sử dụng đất, thuê đất trên địa bàn tỉnh và khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư. Giá đất cao ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư khi nhà đầu tư phải bỏ khoản tiền lớn vào ban đầu cho nên cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An đã rất cân nhắc. Trước đây, giá đất được xây dựng hằng năm, nay theo Luật Đất đai năm 2013 xây dựng bảng giá đất 5 năm 1 lần. Tại Nghệ An, 5 năm vừa rồi không xây dựng giá đất, nên việc thông qua giá đất lần này sẽ áp dụng trong 5 năm tới.

Trước khi trình HĐND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị góp ý, phản biện dự thảo bảng giá đất. Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều ý kiến phát biểu, góp ý dự thảo; đề nghị Sở TN&MT, Sở Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu, tính toán lại mức tăng bình quân trên cơ sở cân đối hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Đặc biệt, việc điều chỉnh tăng phải theo lộ trình chứ không thể tăng đột biến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội. Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, dự thảo bảng giá đất lần này vừa tăng giá đất ở vừa tăng giá đất dịch vụ thương mại, gây khó khăn đến hoạt động của các doanh nghiệp, trong khi Sở TN&MT xây dựng dự thảo tăng giá đất nhưng lại không tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân, hoặc tổ chức nhưng không đầy đủ khiến nhiều người bất ngờ.

Cụ thể, đại diện nhiều hội doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cho biết, trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản khung giá đất và giá cho thuê đất, họ cũng không được tham gia góp ý kiến theo quy định tại Điều 6, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 được Quốc hội khóa 13 thông qua vào ngày 22/6/2015. Chính vì vậy, khi thông tin dự thảo được đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình đưa ra mức tăng như vậy là quá cao và chưa sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cho rằng, khung giá đất sắp tới nếu áp dụng sẽ cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa thì không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An trong thời gian sắp tới.

Theo ông Trần Anh Sơn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh, thì việc điều chỉnh giá đất trong giai đoạn mới sẽ tác động trực tiếp đến giá thuê đất của doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị chức năng liên quan đến việc xây dựng bảng giá đất mới cần phối hợp để tính số thông báo thuế cho nhóm 10 doanh nghiệp ở mức tăng cao, 10 doanh nghiệp ở mức tăng trung bình và 10 doanh nghiệp ở mức tăng thấp, để đánh giá rõ hơn tác động thực tế và sau này khi áp dụng chính thức bảng giá đất, doanh nghiệp không bị bỡ ngỡ.

Tương tự, ông Thái Đại Phong, Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh khẳng định, bảng giá đất chính là đầu vào của doanh nghiệp, nếu tăng đột biến quá cao thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Phong, ngoài việc trưng cầu ý kiến của các bên liên quan về dự thảo bảng giá đất, cần nghiên cứu đưa ra hướng dẫn cách tính tiền thuê đất cho các doanh nghiệp khi áp bảng giá mới, tránh tình trạng “làm khó” môi trường thu hút đầu tư và khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Thiên Thảo

Các tin khác