Kinh tế xã hội
Khi nguồn lực bế tắc
09:08, 06/12/2019 (GMT+7)
Trong một bài viết gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quan điểm phải khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước phát triển. Một trong những yếu tố được nhấn mạnh trong bài viết là khơi thông nguồn lực tư nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực. |
Bài viết nêu nhiều định hướng lớn và các giải pháp để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội. Theo đó, phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực và phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các loại giấy phép con, cải cách mức thuế và thủ tục đăng ký của doanh nghiệp, thủ tục đăng ký hải quan, quyết liệt loại trừ tình trạng nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, áp dụng các khâu công nghệ có thể thay thế con người trong đăng ký, cấp giấy phép để minh bạch hóa, giảm thiểu “tham nhũng vặt”…
Người viết cũng thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của họ về môi trường kinh doanh. Xin được kể một số câu chuyện có liên quan đến những bế tắc khi nguồn lực tư nhân muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
1. Một doanh nghiệp trong mảng giáo dục từng chia sẻ với tôi về một dự án dang dở của họ. Họ muốn đầu tư lớn, hàng chục tỷ đồng, trong nhiều năm để xây dựng một giáo trình dạy tiếng Anh phù hợp nhất với người Việt.
Dự án của họ được lập kế hoạch rất công phu, từ việc thuê các chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu thế giới và Việt Nam để thực hiện các nghiên cứu, so sánh tiếng Anh và tiếng Việt; thuê người viết giáo trình, tập bài giảng; tổ chức tập huấn giáo viên; dạy thử trên nhiều nhóm đối tượng để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chương trình.
Mọi thứ đang được chuẩn bị rất tốt thì bỗng dưng gặp phải một câu hỏi hóc búa: “Nếu giờ có người đưa giáo trình đó lên mạng hoặc có một giáo viên khác dùng giáo trình của họ để dạy thì có cách nào ngăn cản không?” Làm thế nào để doanh nghiệp bảo vệ được bản quyền giáo trình trị giá hàng chục tỷ của mình?
Sau khi tham vấn ý kiến các luật sư thì được họ trả lời rằng: Nếu có ai đó vi phạm, thì có thể khởi kiện. Nhưng theo kiện thì rất mất thời gian, mà tiền bồi thường thì cũng chẳng đáng là bao.
Dự án đến đây bế tắc. Do lo ngại khoản tiền đầu tư vào tài sản trí tuệ của mình có thể bị người khác cướp đi dễ dàng, doanh nghiệp đó đã không đầu tư nữa.
Nếu quyền của chủ sở hữu đối với một loại tài sản không được bảo đảm thì rất khó để ai dám đầu tư vào tài sản đó.
2. Một doanh nhân khác lại than vãn: “Tôi muốn đầu tư xây dựng một dự án, xin đất thì Nhà nước cấp cho 30 năm. Tôi lập kế hoạch kinh doanh cho 30 năm. Nhưng đến khi đi xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện thì chỉ cấp cho tôi thời hạn 3 năm. Hết 3 năm lại phải đi xin gia hạn.”
Ông ta kêu gọi các nhà đầu tư khác hùn vốn cùng làm. Sau khi xem xét dự án, nhà đầu tư bảo: “Nhà nước chỉ cấp giấy phép 3 năm thì ta chỉ nên xây dựng tạm thôi, chỉ nên mua máy móc cũ thôi. Sau 3 năm thì nhà cửa, máy móc hết khấu hao là vừa. Chứ giờ mà mua máy mới, xây dựng kiên cố, vài năm nữa lại không được gia hạn giấy phép thì máy móc với nhà cửa đó biết bán cho ai?”
Không chỉ chuyện mua sắm máy móc hay xây dựng nhà cửa, việc giấy phép ngắn hạn khiến các doanh nghiệp ngần ngại trong cả việc đầu tư cho thương hiệu, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đầu tư để đào tạo nhân viên.
Nếu Nhà nước lo ngại doanh nghiệp làm sai, vi phạm pháp luật thì đã có quy định về thanh tra, kiểm tra định kỳ. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì Nhà nước có quyền xử phạt, tước giấy phép. Vậy nên, quy định về thời hạn giấy phép không có ý nghĩa giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn, mà chỉ tạo thêm rủi ro không cần thiết cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Bài học từ câu chuyện này rất rõ ràng, Nhà nước tưởng rằng mình nắm đằng chuôi khi đưa ra thời hạn của giấy phép, nhưng doanh nghiệp sẽ phản ứng bằng cách giảm đầu tư dài hạn.
3. Luật Khoáng sản không có quy định gì về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản. Đương nhiên, các doanh nghiệp tin rằng mình được làm. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp khai khoáng đều mang quyền khai thác khoáng sản đi thế chấp ngân hàng để vay tiền đầu tư xây dựng mỏ.
Trong trường hợp chủ mỏ không trả được nợ, các ngân hàng sẽ mang giấy phép đó đi bán lại cho các doanh nghiệp khoáng sản khác để thu hồi nợ. Ngân hàng chỉ cần bảo đảm rằng tìm được người mua đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để tiếp tục khai thác. Các bên sẽ làm thủ tục sang tên giấy phép khai thác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bỗng dưng cách đây ít lâu, các cơ quan quản lý không cho phép sang tên giấy phép trong trường hợp thế chấp như vậy nữa. Theo công văn của cơ quan quản lý, lý do được đưa ra là: Luật Khoáng sản không có quy định về thế chấp thì không được phép thế chấp.
Chuyện này khiến cho rất nhiều các ngân hàng và doanh nghiệp khoáng sản điêu đứng. Nguồn tiền đầu tư vào khai thác khoáng sản giảm. Do không được thế chấp nữa nên các ngân hàng không bỏ tiền, các doanh nghiệp không đủ vốn cũng không dám đầu tư mạnh. Khi không thể đầu tư lớn thì doanh nghiệp quay sang khai thác manh mún, hớt những lớp khoáng sản trên bề mặt, dễ khai thác mà bỏ lại khoáng sản ở sâu trong lòng đất. Nguồn lực quốc gia bị lãng phí.
Ba câu chuyện trên có thể không đại diện cho bức tranh chung, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp ở đâu đó trong thực tế. Để khiến các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, quan trọng hơn cả là những cam kết bằng chính sách và pháp luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp khi đầu tư. Và từ đó, "mới khơi dậy được hoài bão, khát vọng dân tộc, tạo thành động lực thường trực để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu vì sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước và khẳng định danh dự bản thân", như bài viết của Thủ tướng đã đề cập.
Nguồn: Chinhphu.vn