(Congannghean.vn)-Nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội từ cây dược liệu, nhất là với các địa phương ở miền Tây Nghệ An. Hiện, tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp để đưa dược liệu trở thành cây chiến lược giúp bà con thoát nghèo.
Các địa phương tập trung khảo sát các giống dược liệu quý để bảo tồn và phát triển |
Thời gian vừa qua, Quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Nghệ An tầm nhìn 2030, việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu có giá trị đã được quan tâm triển khai. Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu triển khai đồng bộ việc điều tra đánh giá đa dạng sinh học ở mạng dược liệu, đặc biệt là ở Pù Mát, Pù Hoạt, Puxailaileng để xác định các loài cây quý hiếm và có giá trị kinh tế và khoa học. Đồng thời, triển khai một loạt các đề tài nghiên cứu và dự án thử nghiệm một số loại dược liệu ở miền Tây Nghệ An, nhất là cây sâm Puxailaileng.
Xác định vai trò quan trọng của cây dược liệu đối với Nghệ An nói chung và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây, UBND tỉnh ban hành hàng loạt quy hoạch, dự án và kế hoạch để đầu tư, ứng dụng KHCN. Tháng 4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu Nghệ An đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cũng trong năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án khoa học công nghệ “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất và chế biến giảo cổ lam, hoài sơn và mướp đắng rừng theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Kỳ Sơn” với diện tích 2 ha. Sở Y tế Nghệ An cũng đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tổng diện tích quy hoạch trồng cây dược liệu là 905 ha được chia thành 3 vùng: Vùng núi cao gồm các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp có tổng diện tích 520 ha; vùng núi trung bình có diện tích 100 ha thuộc các huyện và thị xã: Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương; vùng thấp và đồng bằng thuộc các huyện Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành và TX Hoàng Mai có diện tích khoảng 285 ha.
Trước đó, Viện Dược liệu đã phối hợp với Sở Y tế điều tra tổng thể cây thuốc trên địa bàn tỉnh, qua thống kê có 962 loài trong đó có 31 loài cây thuốc quý hiếm và 47 loài cây thuốc có giá trị sử dụng thương mại phổ biến. Trong đó, có nhiều loài có giá trị cao như sâm Puxailaileng, đẳng sâm, tam thất, giảo cổ lam, trà hoa vàng, mú từn... Trong danh mục cây thuốc và vị thuốc thiết yếu của Bộ Y tế, Nghệ An có 41 loài nằm trong 206 loài cây thuốc mọc tự nhiên được khai thác và sử dụng. Nhiều doanh nghiệp và các địa phương cũng đã chủ động và đầu tư triển khai các dự án phát triển dược liệu trên địa bàn. Tập đoàn TH cũng đã thành lập Công ty CP Dược liệu Mường Lống vừa nghiên cứu và ứng dụng những giống cây mới, vừa phối hợp cùng bà con mở rộng mô hình trồng cây trong các hộ gia đình. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đã thực hiện thành công mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu gồm đẳng sâm, đương quy, atiso tại xã Na Ngoi; Ban Dân tộc tỉnh xây dựng mô hình thí điểm và phát triển cây táo mèo ở xã Tây Sơn...
Ngoài ra, với sự đa dạng văn hóa, tri thức bản địa, nhất là các bài thuốc dân gian, kinh nghiệm sử dụng phong phú của bà con là kho báu cần phát huy và khai thác. Kết quả nghiên cứu trong các năm qua cho thấy, từ những khảo nghiệm dược liệu trên địa bàn đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa như gai leo, sản phẩm từ cây mú từn... được người dân lựa chọn và tin dùng. Trên thực tế, nhiều cây dược liệu Nghệ An có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây lương thực khác.
Tuy nhiên, phát triển cây dược liệu ở Nghệ An mới chỉ là bước đầu. Trong khi đó, hoạt động này ở các tỉnh thành khác trong cả nước đã được tiến hành từ cách đây hơn 20 năm. Đó là chưa kể đến hình thức đất đai và hình thức tổ chức sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hiệp hội, công ty..) hầu như còn ít và vẫn chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả. Tình trạng khai thác thiếu kế hoạch cũng ảnh hưởng đến việc gìn giữ và bảo tồn những dòng cây quý hiếm. Vì thế đến nay, việc phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc. Vì thế, việc thực hiện liên kết 4 nhà (nhà khoa học - Nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà nông) là rất quan trọng. Trong đó, nhà doanh nghiệp phải giữ vai trò then chốt trong hình thành chuỗi khép kín từ khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến... Đồng thời, tỉnh cũng cần có chính sách cụ thể để bảo tồn dược liệu kết hợp hướng dẫn nhân dân khai thác có kế hoạch. Mục tiêu của tỉnh là nghiên cứu, bảo tồn những giống quý, sau đó nhân rộng, trong đó những đối tượng quý hiếm cần có đề án phát triển riêng. Phải coi dược liệu là lâm sản đặc thù để hướng dẫn các chủ rừng, nhân dân khai thác có sự kiểm soát, có kế hoạch và cấp chứng nhận xuất xứ.
Việc phát triển nguồn dược liệu chất lượng không chỉ bảo tồn những nguồn gen quý mà còn giúp người dân địa phương thay đổi tư duy, tập tục sản xuất cũ, tìm hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo. Tiềm năng dược liệu vẫn đang chỉ ở giai đoạn khai phá đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư tích cực, chủ động hơn nữa của các địa phương và ngành liên quan; nhất là trong chương trình phát triển cây dược liệu với bảo vệ rừng và phát triển kinh tế - xã hội.