Thứ Hai, 05/08/2019, 09:00 [GMT+7]

Tập trung, đồng thuận triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam

(Congannghean.vn)-Nghệ An đang chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các phần việc để đẩy nhanh tiến độ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 37 xã, thị trấn của tỉnh Nghệ An
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 37 xã, thị trấn của tỉnh Nghệ An

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84 km gồm Tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Tiểu dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án cao tốc sẽ đi qua 6 huyện, thị xã: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Trong đó, đoạn qua đất nông nghiệp khoảng 79,34 km (90,3%); đoạn qua đất khu dân cư khoảng 8,51km (9,7%) với khoảng 6.700 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, sẽ có 655 hộ nằm trong diện tái định cư. Tiểu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng mức đầu tư 8.380 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước khoảng 2.550 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư 5.830 tỉ đồng. Tiểu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng mức đầu tư 13.338 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước khoảng 8.077 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 5.261 tỉ đồng.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, với yêu cầu tiến độ thực hiện gấp rút, thời gian qua UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành cùng các địa phương có tuyến đi qua tập trung triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo đúng quy định.

Để triển khai dự án, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện các Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn qua tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 2012. Đồng thời, yêu cầu các địa phương triển khai công tác bồi thường GPMB; tiến hành rà soát số hộ tái định cư, các tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án phải di dời (trường học, nhà văn hóa...)  bị ảnh hưởng để lựa chọn vị trí; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin, dữ liệu của dự án và quản lý chặt chẽ phạm vi dự kiến GPMB và không để tình trạng lấn chiếm.

Mặt khác, yêu cầu các huyện, thị xã quản lý chặt chẽ cọc GPMB; đẩy nhanh công tác trích lục, trích đo; lựa chọn và trình phê duyệt vị trí tái định cư; kiểm kê, kiểm đếm lập phương án bồi thường GPMB và định kỳ ngày thứ 5 hàng tuần báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn vướng mắc để có phương án giải quyết. UBND các huyện, thị xã đã làm việc với Ban Quản lý dự án 6 để bàn bạc, thống nhất một số nội dung phối hợp, triển khai công tác GPMB dự án; nhận bàn giao các tài liệu, số liệu hiện trường cụ thể như sau:

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường; phụ lục khối lượng dự toán; các bản vẽ phần tuyến và công trình trên tuyến và một số bản vẽ khác; sơ đồ tim tuyến; hồ sơ cắm cọc GPMB... Hiện nay, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6 thuộc Bộ GTVT đã cấp 660 tỉ đồng kinh phí GPMB cho các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, TX Hoàng Mai 90 tỉ đồng, huyện Quỳnh Lưu 100 tỉ đồng, huyện Diễn Châu 170 tỉ đồng, huyện Yên Thành 40 tỉ đồng, huyện Nghi Lộc 60 tỉ đồng, huyện Hưng Nguyên 200 tỉ đồng.

Tiểu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu
Tiểu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu

Cần phải khẳng định rằng, hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, để thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã được phân bổ 55.000 tỉ đồng, cố gắng trong năm 2019 sẽ sử dụng khoảng 7.000 tỉ đồng. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Nghệ An năm 2019 cố gắng thực hiện từ 80 - 90% khối lượng GPMB. Đặc biệt, phải tập trung tuyên truyền đến được với từng hộ dân thuộc diện ảnh hưởng của dự án.

Trong cuộc làm việc với Bộ GTVT về Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý, quá trình xây dựng các công trình hạ tầng, các đơn vị, địa phương liên quan cần quan tâm đến hoạt động sản xuất của nhân dân, không để công trình xây dựng gây cản trở người dân. Đối với các khu vực đã hoàn thành việc GPMB, đơn vị thi công cần có phương án bảo vệ, tránh tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm. Việc triển khai dự án cần lấy dân làm gốc, xem xét mọi sự tác động của dự án đến đời sống dân sinh, trên tinh thần đó coi trọng ý kiến, đề xuất của nhân dân. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị triển khai công tác GPMB một số dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh GPMB và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, khâu GPMB được Chính phủ xác định là "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định tiến độ dự án".

Giai đoạn hoàn chỉnh, đường cao tốc qua Nghệ An sẽ có quy mô 6 làn xe. Dự kiến 2 dự án thành phần sẽ triển khai thi công trong quý I/2020 đến quý IV/2022 và bắt đầu khai thác từ quý I/2023.

.

Tuệ Trang

.