Thứ Tư, 24/07/2019, 11:04 [GMT+7]

Sức vươn từ kinh tế biển (Bài 2)

(Congannghean.vn)-Với 82 km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, Nghệ An đã từng bước chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh mẽ từ kinh tế biển. Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn, được Nghệ An triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược.

Bài 2: Phát huy tiềm lực biển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong bức thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An cách đây 50 năm, Người đã khẳng định: “Nghệ An có rừng có biển. Dân ta có câu “Rừng vàng, biển bạc”... Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Xác định rõ những lợi thế của địa phương, thực hiện Di chúc của Người, suốt 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã cụ thể hóa bằng những kết quả nổi bật và rất rõ nét, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cảng Cửa Lò ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu vận chuyển của khách hàng
Cảng Cửa Lò ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu vận chuyển của khách hàng

Khơi thông đầu tư, mở rộng cửa biển

Giữa những ngày hè tháng 6 chói chang , chúng tôi đến Công ty CP Xi măng Sông Lam và Cảng quốc tế The Vissai Nghi Thiết, Nghi Lộc. Có thể cảm nhận rõ sự khẩn trương của các cán bộ, công nhân ở đây. Ai ai cũng tất bật để cuối tháng 7 này, cảng sẽ đón chuyến tàu 5 vạn tấn. Đây là hoạt động thương mại đầu tiên của cảng sau 2 năm chỉ phục vụ “nội bộ” - xuất nhập xi măng của Công ty CP Xi măng Sông Lam. Xa xa, hai bờ đê chắn sóng đang xây dựng tựa như đôi cánh tay lực lưỡng ôm trọn lấy bờ biển Nghi Thiết quanh năm sóng gió. Cách đây 5 năm, chẳng ai nghĩ, một chiếc tàu gần bằng sân bóng đá lại có thể cập cảng Nghệ An. Vậy mà, điều đó đã trở thành hiện thực, chỉ 2 năm sau khi Cảng quốc tế The Vissai Nghi Thiết đi vào hoạt động.

bbb
Ông Nguyễn Quốc Tài, Giám đốc Cảng quốc tế The Vissai trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An 

Ông Nguyễn Quốc Tài, Giám đốc Cảng quốc tế The Vissai vui mừng cho biết: Cảng chính thức công bố từ cuối tháng 10/2017. Theo thiết kế, công suất của cảng đạt 12 triệu tấn/năm. Trước hết, cảng xây dựng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của chính Công ty với sản phẩm chủ lực là xi măng và cờ-lanh-ke (clinker). Năm 2018, riêng hoạt động xuất nhập tại cảng đạt 4,8 triệu tấn; còn nay, xấp xỉ 7 triệu tấn. Hiện, Cảng quốc tế The Vissai đang mở rộng, đầu tư cảng tổng hợp có bến chuyên dùng nội địa để đón tàu 3 vạn tấn; đồng thời, xây dựng hoàn thiện một bến để cuối năm 2019 đưa vào hoạt động. Lãnh đạo Tập đoàn cũng quyết định nâng cấp cảng để đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng xuất khẩu. Trọng tâm là hệ thống máy móc, cẩu trục đáp ứng công suất 3.000 tấn/giờ. Sau khi ổn định, chủ trương lớn của Tập đoàn là đưa cảng vào hoạt động thương mại hóa.

“Dự kiến cuối năm 2020, Dự án trạm nghiền và liên doanh với doanh nghiệp cảng tại Philippine sẽ chính thức đi vào hoạt động. Khi đó, Cảng quốc tế The Vissai sẽ chính thức xuất 2 triệu tấn hàng/năm cho phía Philippine tạo cơ sở cho hoạt động kinh doanh, giao thương”, ông Tài cho biết thêm.

Cán bộ, công nhân Cảng biển quốc tế The Vissai với hệ thống làm việc hiện đại
Cán bộ, công nhân Cảng biển quốc tế The Vissai với hệ thống làm việc hiện đại

Ngoài Cảng quốc tế The Vissai, Dự án Tổng kho xăng dầu DKC do Công ty CP Thiên Minh Đức làm chủ đầu tư mới khánh thành vào tháng 2/2019 cũng là công trình lớn của tỉnh và cả khu vực Bắc Trung Bộ. Dự án có quy mô sức chứa 86.000 m3 với hệ thống cầu cảng riêng biệt dài 1,5 km, tiếp nhận tàu từ 2 - 3 vạn tấn phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững với tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của BCH TW Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/12/2007 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 4 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Chương trình hành động số 13-CTr/TU của BCH Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 6000/QĐ-UBND ngày 31/12/2008. Đồng thời, ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 6 đơn vị cấp huyện vùng ven biển.

Trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 nêu rõ: Nghệ An cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng tập trung nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế, xây dựng và khai thác hiệu quả các cảng biển. Hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu vận tải và vươn ra tầm quốc tế trở thành quyết tâm lớn của tỉnh Nghệ An.

bb
Ông Võ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An đánh giá cao tiềm năng vận tải biển của Nghệ An 

Ông Võ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An cho biết: Hiện nay, tại Nghệ An có 7 cảng hoạt động chính. Cùng với đó là các doanh nghiệp cảng như The Vissai, Xăng dầu DKC, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, Xăng dầu Nghệ An... Trước năm 2017, khi Cảng quốc tế The Vissai chưa đi vào hoạt động, hàng hóa qua cảng tại Nghệ An đạt năng lực từ 3,5 - 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng Nghệ An tăng mạnh, đạt trên 9,5 triệu tấn/năm với nhiều mặt hàng đa dạng như xi măng, gỗ dăm, đá, thạch anh... Riêng trong năm 2018, đã có 3.200 lượt tàu qua cảng, đáng chú ý có nhiều tàu công suất lớn của các doanh nghiệp mạnh trong khu vực.

Chuyển mình trong xu thế chung

Sự “vận động” mạnh mẽ của các doanh nghiệp cảng biển lớn như Vissai, DKC, đòi hỏi các doanh nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh phải tiếp tục nâng cao năng lực và chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư, nâng cấp cầu cảng để đón các chuyến tàu công suất lớn hơn.

Ông Bùi Kiều Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: Từ tháng 6/2016, sau khi tàu Thanh Thành Đạt với trọng tải 2 - 3 vạn tấn cập cảng đã đánh dấu mốc mới với Cảng Cửa Lò. Cũng vào thời gian này, Cảng Cửa Lò đã công bố mở cầu cảng số 1,2,3 với năng lực tiếp nhận cho tàu trọng tải 15.000 tấn. Đến nay, sau thời gian đầu tư, xây dựng, Cảng Cửa Lò cũng đã xây dựng xong bến số 5 với tàu khai thác đến 30.000 tấn, góp phần tăng năng lực phục vụ của cảng. Các phương tiện thiết bị mới đầu tư đã nâng cao năng suất xếp dỡ và thu hút hàng về qua cảng. Hiện tại, Cửa Lò có 15 cầu cảng các loại, trong đó có 5 cầu cảng cỡ lớn xếp dỡ container và hàng siêu trường, siêu trọng đến 100 tấn, ngoài ra, các phương tiện vận chuyển, công cụ thiết bị xếp dỡ... để đảm bảo phục vụ khách hàng. Riêng trong năm 2018, Cảng Cửa Lò đã tiếp nhận 3,6 triệu tấn hàng hóa với gần 1.000 lượt tàu qua cảng...

Hiện nay, trước nhu cầu phát triển công nghiệp của vùng Hoàng Mai và Phủ Quỳ, Nghệ An đang chủ động kêu gọi thu hút đầu tư Cảng Đông Hồi. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định: Cảng Đông Hồi là bến cảng chuyên dùng và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch. Dự kiến, sau năm 2020, lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Nghệ An sẽ tiếp tục tăng nhanh, khi các dự án trọng điểm, trong đó có các nhà máy xi măng đi vào hoạt động. Hơn nữa, khi đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) hoàn thành, thì đây là tuyến đường ngắn nhất và tốt nhất từ nước bạn Lào, đông bắc Thái Lan về các cảng biển khu vực và nhất là Nghệ An. Lúc đó, hệ thống cảng biển hiện đại được gắn kết với hệ thống sân bay, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và các vùng kinh tế trọng điểm khác sẽ tạo động lực cho các ngành nghề, dịch vụ khác phát triển, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh.

Song song với việc nâng cấp hệ thống cảng biển, Nghệ An tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ven biển. Nhiều công trình đường bộ được đầu tư vào khu vực ven biển như: Nâng cấp Quốc lộ 1, hoàn thành xây dựng cầu Bến thủy 2; khởi công xây dựng cầu Cửa Hội; thông đường tuyến Thái Hòa - Đông Hồi - Cảng Nghi Sơn; đường nối N5- Hòa Sơn Đô Lương phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy xi măng Sông Lam ra Cảng Cửa Lò. Nghệ An cũng đã hoàn thành 6 cầu vượt đường sắt Quốc lộ 46 và Quốc lộ 1; đồng thời, tiếp tục xây dựng đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường ven biển... để đáp ứng yêu cầu vận tải cho vùng phụ cận ven biển.

Trong thời gian tới, nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An đang tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại, bao gồm công trình trọng điểm là xây dựng Cảng Cửa Lò thành cụm cảng quốc tế gồm cảng nước sâu, cảng chuyên dùng và cảng tổng hợp; xây dựng Cảng biển Đông Hồi. Đồng thời, nâng cấp hệ thống giao thông đối ngoại cả đường bộ, đường sắt, đường không, thủy lợi, cấp thoát nước và hạ tầng đảo Mắt, đảo Ngư; đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An, đường ven biển, cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam, sông Hoàng Mai, tập trung đầu tư xây dựng một số khu neo đậu tránh trú bão như tại Lạch Quèn và  Lạch Lò…Từ đó, phát triển mạnh các ngành công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu biển, công nghiệp cảng, dịch vụ cảng và kho bãi phục vụ kinh tế biển.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng biển và ven biển khoảng 15%; GDP gấp 1,5 lần của cả tỉnh; tỉ lệ phát triển dân số 0,96%; giải quyết việc làm hàng năm cho 15.000 người; hình thành một số sản phẩm mũi nhọn có giá trị xuất khẩu cao và ổn định.

.

Bình Nguyên - Mai Hậu

.