Thứ Ba, 23/07/2019, 08:42 [GMT+7]

Sức vươn từ kinh tế biển (Bài 1)

(Congannghean.vn)-Với 82 km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, Nghệ An đã từng bước chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh mẽ từ kinh tế biển. Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn, được Nghệ An triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược.
 
Bài 1: Những con tàu lướt sóng giữa trùng khơi
 
Vùng biển và ven biển Nghệ An gồm 6 huyện, thành, thị (Vinh, Cửa Lò, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc), với 82 km bờ biển, dân số chiếm 40% toàn tỉnh; diện tích vùng biển 4.239 hải lý vuông. Biển Nghệ An giàu tiềm năng, tài nguyên đa dạng và phong phú. Với vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi, vùng biển và ven biển được xem là một cửa ngõ quan trọng, là “mặt tiền” không chỉ riêng của Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, là cầu nối thực hiện các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế; đồng thời, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Những con tàu trở về sau chuyến ra khơi
Những con tàu trở về sau chuyến ra khơi
Người dân Nghệ An có truyền thống lâu đời gắn bó với biển. Thực tiễn sinh động của cuộc sống từ bao đời của ngư dân ven biển đã minh chứng, biển chính là “chìa khóa”, là người mẹ thiên nhiên giúp bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghệ An xác định, phát triển kinh tế biển và ven biển làm động lực để thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển, tạo nên chuyển biển mạnh mẽ và toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lấy TP Vinh, TX Cửa lò và Khu kinh tế Đông Nam làm trung tâm để đẩy mạnh phát triển các vùng khác. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế biển Nghệ An đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thể hiện rõ nét ở 3 hoạt động chính: Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, du lịch và dịch vụ cảng biển. 
 
“Câu hát căng buồm cùng gió khơi...”
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, tiện nghi, anh Phạm Ngọc Sơn (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) không giấu niềm vui mừng sau chuyến tàu thành công ngoài mong đợi. Trừ các chi phí, tiền thuê nhân công, lao động, thu nhập của gia đình còn khoảng trên 100 triệu đồng. Số tiền này ngoài trang trải cho sinh hoạt của gia đình, anh còn để dành nâng cấp, sửa chữa tàu, chuẩn bị cho chuyến đi mới. Giọng nói hào sảng của người đàn ông trên 20 năm gắn bó với nghề biển như cuốn chúng tôi vào những hành trình trùng điệp giữa biển khơi - với gió, với trăng và với những đêm sát cánh cùng các thuyền viên ngoài ngư trường vịnh Bắc Bộ.
Ông Phạm Ngọc Sơn (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) trao đổi với phóng viên Báo Công an Nghệ An
Ông Phạm Ngọc Sơn (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) trao đổi với phóng viên Báo Công an Nghệ An

Năm 2000, nhờ chăm chỉ và tiết kiệm, anh Sơn đóng mới chiếc tàu 33 CV, rồi 2 năm sau nâng cấp lên tàu 420 CV. Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đầu năm 2015, anh Sơn mạnh dạn vay vốn ngân hàng đóng tàu hiện đại trị giá 10 tỉ đồng với công suất 820 CV. Từ đó, những chuyến xa khơi của anh Sơn thuận lợi hơn nhiều. Ngư trường được mở rộng từ Quảng Ninh kéo dài đến Quảng Bình, sản lượng khai thác gấp 2 - 3 lần so với trước, trung bình khoảng 200 tấn/năm. Những thiết bị hiện đại như máy định vị, máy dò cá, bản đồ hải trình điện tử... giúp anh tự tin hơn ở những ngư trường mới. “Chung lưng đấu cật” với anh là 10 - 12 thuyền viên, thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. 

Sau 20 năm gắn bó với biển, 4 năm đóng tàu theo Nghị định 67, cuộc sống của gia đình anh Sơn và các thuyền viên đã đổi thay rõ rệt. Phương tiện hiện đại, thu nhập ổn định là điều kiện để anh tiếp tục mạnh dạn đầu tư, khai thác những ngư trường lớn, làm giàu cho gia đình, quê hương. Xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu hiện có 312 tàu, trong đó 165 tàu từ 90 CV trở lên. Hiện, trong xã có 26 tàu được đóng mới (4 tàu vỏ sắt, 22 tàu vỏ gỗ) theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: Trên 80% người dân xã Tiến Thủy bám biển. Ngoài khai thác, các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng rất phát triển. 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng khai thác đạt trên 11.000 tấn với giá trị trên 170 tỉ đồng.
Dịch vụ hậu cần nghề cá tại cơ sở của ông Ngô Trí Đông ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu
Dịch vụ hậu cần nghề cá tại cơ sở của ông Ngô Trí Đông ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu

Quỳnh Lưu là huyện có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, gồm cả đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Huyện có 9 xã ven biển, từ trước đến nay, phát triển khai thác thủy hải sản được xem là hướng đi chính của địa phương. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu nhiệm kỳ 2015 - 2020, lãnh đạo huyện xác định phải tập trung phát triển kinh tế biển, nâng cao giá trị, tăng thu nhập của các xã ven biển.

Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nhằm phát triển khai thác thủy hải sản, huyện đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như chỉ đạo thực hiện Nghị định 67; triển khai Quyết định 87 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, áp dụng tiến bộ trong khai thác, nuôi trồng. 

Đến nay, Quỳnh Lưu có 1.200 phương tiện, trong đó 700 phương tiện trên 900 CV, 52 tàu đóng mới theo Nghị định 67. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm của Quỳnh Lưu khoảng trên 70.000 tấn/năm, cho thu nhập chiếm trên 50% tổng thu ngân sách của huyện. Ngoài hỗ trợ cho ngư dân bám biển vươn khơi, diện tích nuôi trồng thủy hải sản cũng được mở rộng: Trên 600 ha nuôi tôm, 130 ha nuôi ngao và trên 1.000 ha nuôi các loại thủy sản nước ngọt, tổng sản lượng trên 10.000 tấn/năm. Nhiều năm nay, nhờ chủ động áp dụng tiến bộ KH-KT và tích cực kêu gọi đầu tư nên năng lực sản xuất con giống của các cơ sở trên địa bàn đạt khoảng 1 tỉ con giống/năm, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy hải sản trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước.
 
Tiếp sức cùng ngư dân bám biển
 
Xác định nuôi trồng, khai thác, chế biển thủy hải sản là hướng đi truyền thống, trọng tâm trong phát triển KT-XH của Nghệ An, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển. Ngày 30/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 6343 phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Những năm qua, nhất là từ khi có Quyết định 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 (thay thế Quyết định 09/2012/QĐ-UBND ngày 4/2/2012) của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; số lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, cường lực khai thác được nâng lên; tàu công suất lớn (trên 400 CV) tăng nhanh.
Đoàn thuyến đánh cá về bến tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu
Đoàn thuyến đánh cá về bến tại xã Diễn Ngọc, Diễn Châu
Năm 2014, Nghệ An mới chỉ có 1 tàu tham gia khai thác ngư trường Hoàng Sa thì đến nay đã có trên 30 tàu. Đây không những là lực lượng làm giảm áp lực khai thác ven bờ, tăng hiệu quả sản xuất cho ngư dân, mà còn tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tổng công suất tàu cá toàn tỉnh tăng từ 164.605 CV lên 656.400 CV; số lao động khai thác hải sản tăng từ 11.000 người lên trên 19.000 người. Nhiều năm qua, các ngân hàng tại tỉnh Nghệ An đã cho ngư dân vay 774 tỉ đồng để đóng mới 104 tàu cá (90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ sắt, 5 tàu vỏ composite). Những con tàu công suất lớn đã giúp ngư dân “đạp sóng” vươn khơi, khai thác hiệu quả và bền vững hơn. Hầu hết tàu cá đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy dò ngang, thiết bị thông tin liên lạc… nên ngư dân chủ động hơn trên biển. 
 
Thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương cũng đã mạnh dạn hỗ trợ người dân trong khai thác và chế biến thủy hải sản, nhất là các dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhiều huyện, thành, thị đã ban hành Đề án phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản nói riêng.
 
Tại huyện Diễn Châu, nhằm tạo động lực mới cho KT-XH của địa phương, ngày 2/5/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án “Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”. Song hành với Đề án trên, Quyết định 1077 được UBND huyện thông qua nhằm huy động các nguồn lực tổng hợp phát triển kinh tế biển. Ngoài kinh phí của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ một lần theo Nghị quyết HĐND huyện với gần 400 triệu đồng cho ngư dân. Trong thời gian qua, các hộ ngư dân đã liên kết chặt chẽ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản.
Ông Ngô Trí Đông trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An
Ông Ngô Trí Đông trả lời phỏng vấn của Báo Công an Nghệ An
Ông Ngô Trí Đông, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu chia sẻ: “40 năm gắn bó với biển, từ khi còn làm nghề giã truyền thống, đến nay, tôi không rõ mình đã đi qua bao nhiêu vùng biển. Thấy rõ lợi thế của biển, sau thời gian tích góp, tôi cùng gia đình đóng 2 con tàu 540 CV. Thực hiện Nghị định 67, tôi mạnh dạn đóng tàu 67 để tập trung làm dịch vụ hậu cần nghề cá...”. Hiện, cơ sở của ông Đông đã đáp ứng cho trên 30 tàu về xăng dầu, lương thực thực phẩm. Từ gia đình nghèo khó, đến nay, ông Ngô Trí Đông trở thành ngư dân điển hình trong sản xuất giỏi. “Không trực tiếp khai thác thì mình tham gia hậu cần, phục vụ, chứ làm sao mà xa biển được. Nói gì thì nói, đó là nghề truyền thống gia đình, là hơi thở, là cuộc sống, là mẹ cha”, ông Đông tâm sự. Nói đoạn, người đàn ông ngoài 50 rắn rỏi, vững chãi cất câu thơ mà ông đã thuộc lòng mỗi lần làm bạn với trăng sao giữa biển khơi. Chúng tôi trầm ngâm lắng nghe, cảm nhận như từng đợt sóng rất đỗi dịu êm mà cuộn trào:
 
“Hỡi ai thấu hiểu đời dân biển
Thức trắng thâu đêm lo con nước
Dãi nắng dầm mưa vẫn thấy thường
Mùa hè tới muối mặn trên gò má
Vẫn hát vẫn cười khi mực cá đầy khoang...”.
 
“Khai thác tiềm năng biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, trở thành xu thế phát triển tất yếu của các địa phương. Nghệ An thể hiện quyết tâm chính trị rất cao khi thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển, xem đây là động lực quan trọng để phát triển KT-XH tỉnh nhà”, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết.
.

Bình Nguyên - Mai Hậu

.