Chủ Nhật, 09/06/2019, 08:43 [GMT+7]

Khan hiếm đất san lấp, đất 'thổ phỉ' lên ngôi

(Congannghean.vn)-Quá trình thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, nhu cầu về đất san lấp mặt bằng phục vụ các dự án khá lớn, song số lượng các mỏ đất trên địa bàn tỉnh được cấp phép còn khá khiêm tốn. Vì vậy, không còn cách nào khác, nhà thầu xây dựng và các “đầu nậu” đã sử dụng nguồn đất “thổ phỉ”, đất khai thác trôi nổi trên thị trường. Điều này không những Nhà nước bị thất thu nguồn thuế tài nguyên rất lớn mà chất lượng nguồn đất san lấp các công trình cũng rất khó kiểm soát!

Nhiều dự án xây dựng, nhà thầu chọn cách mua đất tại chân công trình
Nhiều dự án xây dựng, nhà thầu chọn cách mua đất tại chân công trình

Đơn cử, tại Dự án xây dựng khu đô thị và thương mại dịch vụ tổng hợp tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (tổng diện tích hơn 33 ha) đang triển khai xây dựng thời gian qua, chủ đầu tư cũng sử dụng nhiều nguồn đất san lấp mặt bằng khác nhau.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau nhiều năm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư (Công ty CP xây dựng dịch vụ và hợp tác lao động (OLECO) không triển khai dự án, đến năm 2011, dự án này tiếp tục được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 3428/QĐ-UBND.ĐT với quy mô diện tích 333.546,6 m2 tại khu vực xứ đồng Sác Du, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Theo quy hoạch tại Quyết định nói trên quy mô diện tích dự án sẽ được chia thành 2 dạng, đó là: Đất sử dụng cho mục đích công cộng 178.495,22 m2 (bao gồm xây trường học, đất nhà trẻ, hội quán, đất ở cao tầng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật); đất không sử dụng cho mục đích công cộng 155.051,38 m2 (bao gồm đất thương mại dịch vụ, đất nhà ở phân lô, biệt thự, nhà vườn liền kề…).

Từ giữa năm 2018 đến nay, dự án này được triển khai thi công rầm rộ và đương nhiên việc san lấp mặt bằng cho gần 34 ha đất ruộng ở đây cần một lượng đất san lấp cực lớn. Qua tìm hiểu, theo dõi của phóng viên cho thấy, ở thời điểm rầm rộ nhất, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải chở đất từ các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc... về san lấp mặt bằng tại dự án này.

Hay như tại một số dự án xây dựng hạ tầng phân lô, bán nền; dự án xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn TP Vinh thời gian qua, đơn vị thi công cũng sử dụng các nguồn đất san lấp khác nhau, không đúng với vị trí mỏ đất đã được phê duyệt. Tại một dự án xây dựng hạ tầng (ở xã Nghi Đức, TP Vinh), theo hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì đất san lấp mặt bằng được lấy tại mỏ đất xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, thực tế thì nhà thầu dự án này lại mua đất san lấp ở một vị trí khác! Tương tự, tại dự án xây dựng hạ tầng ở phường Quán Bàu theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt đất cũng được lấy tại mỏ đất Nghi Yên, huyện Nghi Lộc nhưng nhà thầu công trình này lại mua đất của “đầu nậu” chở từ huyện Hưng Nguyên về san lấp...

Theo tìm hiểu của phóng viên, các công trình dự án xây dựng hạ tầng trước khi thi công đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự toán vật liệu xây dựng và các nội dung liên quan. Trong đó, đáng chú ý đối với hạ tầng thi công phần đường giao thông đều được phê duyệt đất san lấp có độ đầm chặt K95 hoặc K98, đảm bảo lu chèn đạt chất lượng. Tuy nhiên, đối với tiêu chuẩn đất có độ đầm chặt K95 hay K98 hiện nay trên địa bàn Nghệ An không có nhiều nơi đạt chất lượng, đặc biệt là đất đảm bảo K98.

Để lách luật, giảm giá thành vật liệu, giảm chi phí vận chuyển..., thời gian qua, nhiều công trình, dự án các nhà thầu xây dựng chọn cách mua đất san lấp tại chân công trình. Với hình thức này, các “đầu nậu” đất sẽ thi nhau khai thác đất “thổ phỉ” khắp nơi, mang đến bán lại cho các công trình xây dựng. Tìm hiểu của chúng tôi được biết, nguồn đất của các đầu nậu khai thác chủ yếu là đất cải tạo vườn đồi của người dân, đất thừa tại một số công trình và có cả đất được lấy ở các mỏ đất cấp cho dự án khác.

Đất san lấp
Đất san lấp "thổ phỉ" được khai thác dưới chiêu thức cải tạo vườn, đồi

Một “đầu nậu” chuyên bán, vận chuyển đất san lấp trên địa bàn TP Vinh thừa nhận, hầu hết các dự án xây dựng đều không lấy đất đúng chủng loại, đúng mỏ đất được phê duyệt. Bởi làm như thế giá thành vật liệu san lấp sẽ rất cao, nguồn đất san lấp đúng chủng loại, đúng mỏ đất thường rất khan hiếm. Khi trao đổi vấn đề này, nhiều chủ đầu tư dự án và các nhà thầu cũng thừa nhận có sự việc nêu trên. Họ cho rằng chủng loại đất được phê duyệt theo hồ sơ thiết kế, dự toán khan hiếm, buộc nhà thầu chọn phương án mua đất tại chân công trình. Ngoài ra, thông tin chúng tôi nắm được còn cho biết, để hợp pháp nguồn đất san lấp trong dự toán, nhà thầu sẽ mua một ít đất ở nơi được phê duyệt, số đất san lấp còn lại là đất trôi nổi trên thị trường...

Thời gian tới, khi tuyến đường cao tốc được triển khai qua địa bàn Nghệ An, đây là dự án trọng điểm quốc gia, đòi hỏi nguồn vật liệu san lấp phải đảm bảo chất lượng. Nếu các mỏ đất được cấp phép hiện nay trên địa bàn tỉnh không đủ nguồn cung cấp, chắc chắn tình trạng đất “thổ phỉ” tiếp tục lên ngôi. Do vậy, ngay từ bây giờ, việc chuẩn bị nguồn đất san lấp mặt bằng các dự án nói chung, dự án đường cao tốc qua Nghệ An nói riêng cần được các cơ quan chức năng tính toán, tránh thất thoát nguồn tài nguyên đất san lấp như thời gian qua.

.

Đ. Thắng

.