(Congannghean.vn)-Theo quy định của UBND tỉnh, trước khi đấu giá đất ở đều phải hoàn thành hệ thống hạ tầng cơ sở (đường sá, điện sinh hoạt, nước sạch...). Mặt khác, việc hoàn thành hạ tầng trước khi đấu giá sẽ góp phần nâng cao giá trị các lô đất ở gấp nhiều lần so với khi chưa có hạ tầng! Tuy nhiên, lâu nay lấy lý do thiếu vốn đối ứng cho các dự án khác, UBND TP Vinh đã cho đấu giá nhiều khu đất ở chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, để lại nhiều hệ lụy xấu.
Nhà thầu chưa bàn giao dự án nhưng nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố |
Điển hình nhất là khu đất có diện tích hơn 9 ha tại khối 9, phường Quán Bàu đã được phân lô, đấu giá hàng trăm lô đất ở vào thời điểm năm 2016, khi chưa xây dựng bất kỳ hạng mục hạ tầng nào. Đến nay, sau gần 4 năm, hiện có hàng chục hộ gia đình đã và đang tiến hành xây dựng nhà ở tại đây nhưng oái oăm thay, các hộ gia đình này phải tự hợp đồng với Công ty Điện lực TP Vinh kéo điện về dùng hoặc phải tự hợp đồng với Công ty Cấp nước Nghệ An dẫn nước từ khu dân cư cách đó hàng trăm mét đưa nước về sinh hoạt... Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, trong khu dự án đất ở này hiện chưa hoàn thành hệ thống điện chiếu sáng, chưa trồng cây xanh 2 bên đường và đặc biệt một số vị trí tuyến đường, vỉa hè đã có dấu hiệu nứt rạn, phình lún, hư hỏng...
Một chủ hộ đang xây dựng nhà ở đây phản ánh: Tôi mua đất đấu giá ở đây từ năm 2016 khi chưa xây dựng hạ tầng, hồi đó mỗi m2 đất tại đây có giá 6 - 7 triệu đồng tùy vị trí. Bây giờ làm nhà phải hợp đồng với Công ty Điện lực TP Vinh, rồi tự mua dây kéo điện từ trong khu dân cư ra để dùng. Còn nước sinh hoạt trước đây xin dùng ké của người dân nhưng sau đó chỉ số nước dùng cao nên chúng tôi phải hợp đồng với Công ty Cấp nước Nghệ An chôn đường ống đưa nước sạch ra khu dự án... Cũng theo phản ánh của chủ hộ gia đình này, còn có người thân mua đất đấu giá tại khu đất, đã hoàn thành thủ tục tài chính, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thửa đất lại chưa có đường vào, vì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Người dân dùng thanh sắt hình chữ V bảo vệ ống nước qua đường |
Để chứng minh cho thông tin phản ánh của mình, người đàn ông này đã dẫn phóng viên đến vị trí lô đất chưa có đường vào và thực tế là ở khu vực đó có nhiều lô đất chưa có đường, vì vướng mặt bằng. Ngoài ra, theo chỉ dẫn của người này, phóng viên đã có dịp quan sát hệ thống dây điện chằng chéo từ khu dân cư kéo ra khu đất dự án; ở giữa đường đi lại có nhiều thanh sắt hình chữ V nằm úp, phía trong đó là đường ống nước sạch từ khu dân cư dẫn ra...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, khu đất 9 ha ở phường Quán Bàu được lập quy hoạch, đấu giá đất ở nhằm mục đích lấy kinh phí để giải phóng mặt bằng khu dân cư tại khối 7, khối 8, phường Quán Bàu, phục vụ cho Dự án đường Lê Ninh (vướng mặt bằng hàng chục năm trước đó). Tuy nhiên, sau đó việc đấu giá đất ở khu vực này lại dành kinh phí đối ứng cho các dự án khác, đến nay việc giải phóng mặt bằng cho đường Lê Ninh vẫn chưa xong!.
Ông Nguyễn Sỹ Diệu, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch TP Vinh cho biết: Khu đất 9 ha được đấu giá vào năm 2016 - 2017, phải đấu giá nhiều lần mới hết đất, tổng số tiền thu được hơn 200 tỉ đồng. Sau đó, số tiền này được dùng để đối ứng cho Dự án WB của tỉnh. Khi được hỏi, trước đó UBND tỉnh đã ban hành quyết định, quy định trước khi đấu giá đất ở phải hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng TP Vinh lại đấu giá đất ở không đúng với quy định trên? Ông Diệu thừa nhận, UBND tỉnh có các quy định trên nhưng vì cần vốn đối ứng cho Dự án WB nên khi UBND TP Vinh xin đấu giá đã được UBND tỉnh cho phép thực hiện?! Còn văn bản cho phép của UBND tỉnh về việc đấu giá này thì phải lục tìm lại, ông Diệu nói.
Theo phản ánh của người dân, không chỉ riêng khu đất 9 ha ở khối 9, phường Quán Bàu mà tại khu đất nằm phía Nam đường 72 m, có hàng trăm lô đất ở đã đấu giá từ năm 2018 nhưng đến nay việc xây dựng hạ tầng đường sá, vỉa hè, nước sinh hoạt... vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một nhà thầu của dự án phân lô, đấu giá đất ở tại phường Quán Bàu cho biết: Đến thời điểm này, phía nhà thầu chưa bàn giao dự án cho chủ đầu tư, theo quy định thì các hộ dân không được làm nhà ở, vì việc xây dựng chưa xong, người dân làm nhà vận chuyển vật liệu làm hư hỏng đường sá, vỉa hè nhà thầu phải chịu trách nhiệm. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị chủ đầu tư giám sát việc này nhưng dường như chủ đầu tư không ngăn cản được. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc cấm các hộ dân làm nhà là khó, bởi họ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ có quyền định đoạt thửa đất của mình”, nhà thầu này cho biết.
Tại Điều 29, Quyết định số 74/2014/QĐ-UBND ngày 17/10/2014 của UBND tỉnh Nghệ An “Ban hành quy chế bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, trong đó có quy định về điều kiện lô đất, thửa đất được tổ chức đấu giá, ghi rõ: “Đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đối với đất đang có chủ sử dụng). Đối với đất xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân: Phải có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với khu vực đô thị phải xây dựng hệ thống giao thông, mương thoát nước theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Quyết định trên sau đó được thay thế bởi Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND, ngày 2/3/2018 quy định “Về quyền đấu giá sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tại Điều 6 Quyết định này cũng đã quy định rõ về điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tương tự như Quyết định số 74/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ban hành trước đó.
Từ thực tế trên cho thấy, việc đấu giá đất ở khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng không những làm giảm giá trị các lô đất, giảm nguồn thu của Nhà nước mà còn gây khó khăn cho việc làm nhà ở, định cư của người mua đất. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, các lô đất ở khu đất 9 ha đấu giá năm 2016 - 2017 với giá 6 - 7 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại giá đất thị trường có giá trên dưới 15 triệu đồng/m2, thậm chí các lô đất giáp mặt đường 72 m có giá cao gấp rất nhiều lần. Chỉ cần nhẩm tính, cũng đã cho ra con số chênh lệch hàng trăm tỉ đồng so với việc đấu giá đất nước đó. Rõ ràng trong sự việc trên, Nhà nước đang bị “thiệt đơn, thiệt kép” khi tổ chức bán “lúa non”.