Kinh tế xã hội

Quyền lợi bị xâm phạm, vì sao người tiêu dùng lặng im?

15:26, 14/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng vẫn diễn ra nhưng hầu hết bị chìm vào im lặng khi không được tố cáo để xử lý.

Với 8 quyền cơ bản được quy định tại Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng (NTD) Việt Nam có đầy đủ quyền, ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đặc biệt, NTD được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

NTD cũng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Đồng thời, NTS được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

quyen loi cua nguoi tieu dung bi xam pham nhung it ai to cao hinh 1
Cửa hảng của anh Ngà (Quế Võ, Bắc Ninh) lèo tèo sau vụ bị lừa giao dịch mua hàng điện tử.

 Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc có liên quan đến quyền lợi của NTD, khiến quyền lợi của NTD luôn có nguy cơ bị xâm phạm. Nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không thực hiện theo đúng tôn chỉ và mục đích kinh doanh, thậm chí lừa đảo trắng trợn khiến NTD không khỏi bất bình.

Chị Đào Thu Nga (Nguyên Hồng, Hà Nội) than thở, tìm mua áo da trên mạng thấy có sản phẩm ưng ý, giá bán hợp lý nên chị đặt hàng và được cam kết đổi trả hàng nếu không ưng ý. Tuy nhiên, khi nhận hàng, do bận việc nên không kịp kiểm tra, ngày hôm sau mở ra thấy áo da không đúng như quảng cáo bán hàng.

“Tôi có phản hồi lại nhưng đã nhận được câu trả lời rất khó chịu, thậm chí là ngang nhiên thách thức, có cả đe dọa từ phía người bán. Tôi sẽ rút kinh nghiệm không tham rẻ mà mua hàng trên mạng nữa và giờ cũng chẳng biết kêu ai”, chị Nga cho biết.

Là người tham gia diễn đàn thiết bị điện tử trên trang mạng xã hội, anh Nguyễn Văn Ngà (Quế Võ, Bắc Ninh) vừa chịu một “vố” đau khi bị đối tác cung cấp hàng điện tử cũ từ Tây Ninh lừa chiếm đoạn hơn 100 triệu đồng.

“Mình với họ làm ăn mấy năm nay, mọi khi tiền vào - hàng ra rất chuẩn chỉ. Lần này hàng nhiều, số tiền lớn thì bị “ẵm” luôn tiền. Mình đang phải nhờ anh em trong đó truy tìm và đòi lại”, anh Ngà nói.

Có một điều đáng ngạc nhiên là, những NTD như chị Nga, anh Ngà mỗi khi gặp bất lợi trong giao dịch mua - bán hàng hóa đều không hề nghĩ đến bất kỳ một tổ chức hay cơ quan pháp luật nào để nhờ can thiệp và xử lý. Tâm lý chung của những NTD này là đó chỉ là những giao dịch cá nhân, dân sự nếu có trình báo cơ quan có thẩm quyền sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục nhiêu khê và có khi “được vạ thì má cũng sưng”.

Trong khi Luật đã ghi rõ, NTD được quyền kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

“NTD có trách nhiệm thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định.

Chia sẻ về những bất cập này, ông Vũ Nhất Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm bán hàng trên mạng cho rằng, mua bán hàng hóa không thể chắc chắn tuyệt đối vì vẫn có những thành phần lừa đảo, bất chấp quyền lợi của người mua để đạt mục đích thu lợi cho cá nhân. Đây là hành vi đáng lên án và trong những trang kinh doanh điện tử, diễn đàn mua bán, nếu hành vi này bị phát hiện, thành viên đó sẽ bị tẩy chay.

“Trong nhóm tôi thường giao dịch mua – bán thiết bị điện tử đã qua sử dụng, vài ngày lại có những khiếu nại giữa các thành viên về sản phẩm không đúng chủng loại, chất lượng không đúng như cam kết. Thông thường, ban quản trị diễn đàn sẽ can thiệp và nhắc nhở người bán hàng theo đúng tôn chỉ nhưng vẫn nhiều trường hợp sau khi thực hiện xong “phi vụ” lừa đảo tự nhiên “biến mất”, ông Nam cho biết.

Có thể thấy, niềm tin của NTD trong các giao dịch cũng như uy tín sản phẩm là vô hạn, thế nhưng niềm tin vào cách xử lý của các cơ quan có thẩm quyền trong các tranh chấp cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức vẫn còn hạn chế. Điều này có thể được nhìn nhận ở những khía cạnh khác nhau, ngoài tâm lý ngại, che giấu sự thiếu sót của mình còn có tâm lý không muốn liên quan đến các tổ chức công quyền.

Do đó, để tăng được niềm tin của người tiêu dùng trong việc hỗ trợ, xử lý các tranh chấp để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NTD, các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật, các tổ chức hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cũng như tích cực chủ động xử lý các vụ việc được trình báo.

Có như vậy, NTD sẽ yên tâm và tin tưởng hơn về cơ quan đại diện cho quyền lợi của mình, từ đó tham gia tích cực hơn trong lưu thông, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, giúp thúc đẩy và tăng trưởng trong nền kinh tế./.

Nguồn: vov.vn

Các tin khác