Kinh tế xã hội

Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi

15:35, 13/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù chưa phát hiện có sự xuất hiện của dịch tả lợn Châu Phi, song là địa phương có ngành chăn nuôi và lượng tiêu thụ lợn khá lớn so với cả nước, nên trước thực trạng loại bệnh dịch này đang lây lan, Nghệ An đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng tránh, ngăn chặn khẩn cấp nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tỉnh thành lân cận.

Người chăn nuôi Nghệ An chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
Người chăn nuôi Nghệ An chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Phòng tránh nguy cơ thiệt hại cho người chăn nuôi

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỉ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Tính đến tháng 2/2019, có 20 quốc gia trên thế giới báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tại Việt Nam, ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 1/2/2019. Đến ngày 11/3, dịch này đã lây lan ra 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Ninh Bình. Trong đó, Hải Dương và Hà Nội là 2 tỉnh đang có số lượng ổ dịch nhiều nhất hiện nay.

Tại Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, chưa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi nhưng gần đây, trên mạng xã hội, các trang    facebook cá nhân đã tung tin đồn đưa hình ảnh những miếng thịt lợn có từng hạt bong bóng trắng nhỏ li ti nổi đầy xung quanh miếng thịt. Những hình ảnh này được chia sẻ tràn lan, thậm chí một số diễn đàn còn kêu gọi tẩy chay thịt lợn khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác minh, những hình ảnh đó là ảnh bệnh sán dây, không phải là từ bệnh dịch tả lợn. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng lo sợ mà còn khiến những hộ gia đình chăn nuôi lợn sạch lớn, nhỏ trên địa bàn phải điêu đứng, làm giảm đi số lượng tiêu thụ, giá cả giảm sút trầm trọng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, hộ chăn nuôi tại xã Hưng Lộc, TP Vinh chia sẻ, trước tình hình bệnh dịch phức tạp như hiện nay, gia đình bà đứng ngồi không yên. Theo bà Hòa, đàn lợn nhà bà đã đến lúc xuất chuồng nhưng vì tình trạng này mà kéo dài hơn tuần nay không thể bán được, lại còn bị các chủ thương ép giá quá rẻ. Lợn nhà nuôi chỉ cho ăn cám và các thức ăn thừa từ gia đình nên rất sạch và an toàn.

Còn với gia đình ông Phan Văn Dương trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành thì từ khi nghe thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, gia đình ông đã sử dụng những biện pháp phòng ngừa mà các cán bộ trên xã đã phổ biến qua cho các hộ gia đình như luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, hằng ngày thường xuyên dọn dẹp chuồng trại. Ông còn nhờ thú y đến nhà tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn. Đồng thời, ngăn cấm không cho con cái lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, bếp ăn của các khu công nghiệp mà chọn các loại thức ăn của các doanh nghiệp uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Trước sự lây lan nhanh của dịch tả lợn Châu Phi tại nhiều địa phương trong cả nước, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 579 về việc thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chống dịch tả lợn Châu Phi. Thời gian hoạt động của chốt/trạm kiểm dịch trong 2 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3/2019 cho đến khi hết dịch.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, 2 chốt kiểm dịch tạm thời đã được thành lập tại TX Hoàng Mai và huyện Nghĩa Đàn để kiểm soát việc vận chuyển lợn qua các địa bàn nơi giáp ranh vùng dịch ở tỉnh Thanh Hóa nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh. Cụ thể, có 2 điểm chốt được lập là Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An đóng chân trên Quốc lộ 1A qua địa bàn TX Hoàng Mai và chốt ở đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Hiện, cả 2 chốt kiểm dịch này luôn có cán bộ trực 24/24 để tích cực rà soát, kiểm tra chặt chẽ các xe vận chuyển gia súc gia cầm đi qua địa bàn.

Trong đó, tại chốt kiểm dịch trên đường mòn Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng 12 người, gồm 3 cán bộ CSGT, 6 cán bộ thú y và 3 cán bộ quản lý thị trường chia làm 3 ca chốt trực thường xuyên. Tại Trạm Kiểm dịch ở Bắc Nghệ An, theo ông Đậu Đăng Định, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thì sau khi có chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, đơn vị phối hợp liên ngành với Đội CSGT TX Hoàng Mai, Đội Quản lý thị trường số 4 Nghệ An thành lập gồm 9 thành viên và phân ca trực 3 ca. Do tiếp giáp TX Hoàng Mai là tỉnh Thanh Hóa đang có ổ dịch nên việc kiểm soát, kiểm dịch tại đây được tiến hành nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm.

Trạm kiểm dịch được lập và đặt tại huyện Nghĩa Đàn và TX Hoàng Mai
Trạm kiểm dịch được lập và đặt tại huyện Nghĩa Đàn và TX Hoàng Mai

Cấp bách chủ động ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh

Được biết, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 900.000 con lợn, đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, có 120 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với 103.345 con; chiếm tỉ lệ 11,2% tổng đàn lợn; chủ yếu chăn nuôi nông hộ với 295.598 hộ, gần 646.800 con; chiếm tới 70,3% tổng đàn lợn của cả tỉnh. Hiện tỉnh có khoảng 56 cơ sở giết mổ tập trung, tỉ lệ lớn thì được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung chiếm khoảng 20% tổng số lợn giết mổ của tỉnh; có trên dưới khoảng 1.000 hộ giết mổ tại gia đình tầm 2 - 3 con/ngày.

Để phòng tránh, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tả lợn Châu Phi từ các tỉnh, tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà, thời gian qua, Nghệ An đã có những biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Trước đó, trước diễn biến nhanh và nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, sáng 5/3, UBND tỉnh Nghệ An họp cấp bách triển khai các giải pháp ngăn chặn. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, các sở, ban, ngành nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhắc nhở các chủ chăn nuôi lớn nhỏ trên địa bàn phải khai báo, cung cấp thông tin khi có lợn bệnh, hoặc lợn chết bất thường để cán bộ đến lấy mẫu đi xét nghiệm. Đồng thời, khi chưa có dịch phải tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường biện pháp an toàn sinh học, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ phương pháp chủ động phòng, chống dịch trong mọi trường hợp có dịch xảy ra bất thường. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát các lò mổ, chợ đầu mối đảm bảo các nguồn nhập phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Khuyến khích người chăn nuôi tích cực chấp hành các quy định đề ra, thực hiện với tiêu chí “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết trái phép quy định; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không sử dụng thức ăn dư thừa, cặn bã chưa qua xử lý dịch; không vứt lợn chết ra các bờ sông hay vùng đất trống gây ô nhiễm môi trường. Cùng với việc tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức năng trong thành phố cũng tập trung tuyên truyền tới người dân không nên quay lưng với các mặt hàng liên quan đến thịt lợn, vì dịch tả lợn Châu Phi không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong một diễn biến khác, để chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập từ địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng và Hải quan tại các cửa khẩu cũng đã chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, trong đó chú trọng đặc biệt tại cửa khẩu Nậm Cắn, nơi có lượng phương tiện giao thương hằng ngày qua lại lớn. Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể 2 xã Nậm Cắn và Tà Cạ, Trạm Kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời tăng cường lực lượng phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt tại cửa khẩu, đường mòn để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên kia biên giới vào địa bàn.

Nguyễn Hương

Các tin khác