Kinh tế xã hội

Tự ý phá rừng phòng hộ để nuôi tôm

10:16, 14/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Việc phá rừng phòng hộ để xây dựng khu nuôi tôm diễn ra từ cuối năm 2018 nhưng chỉ đến khi bị người dân xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc kéo nhau đến phản đối, không cho chủ đầu tư tiếp tục xây dựng thì lực lượng chức năng các ngành mới vào cuộc xử lý! Trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đang ở đâu?

Hàng chục cây phi lao thuộc diện tích rừng phòng hộ đã bị chặt phá để xây dựng trang trại nuôi tôm
Hàng chục cây phi lao thuộc diện tích rừng phòng hộ đã bị chặt phá để xây dựng trang trại nuôi tôm

Thời gian gần đây, nhiều người dân xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết liên tục có những phản ứng mạnh mẽ về một dự án “tự phát” đào ao nuôi tôm diễn ra trên địa bàn. Điều đáng nói, đây không phải là khu vực quy hoạch nuôi tôm nhưng chủ đầu tư dự án nói trên trong quá trình đào ao nuôi tôm đã chặt phá hàng chục cây phi lao có tuổi thọ hàng chục năm thuộc diện tích rừng phòng hộ ven biển huyện Nghi Lộc. Ngoài ra, quá trình xây dựng ao nuôi tôm, chủ đầu tư còn dùng phương tiện cơ giới làm xáo trộn cả diện tích đất rừng để chôn đường ống dẫn nước thông ra biển. Đồng thời, tổ chức xây dựng nhiều hạng mục như nhà cửa, công trình phụ trợ chồng lấn trên diện tích đất thuộc rừng phòng hộ mà không vấp phải sự kiểm tra, xử lý nào?

Sở dĩ có sự phản ứng mạnh mẽ nói trên là do người dân địa phương lo lắng khi trang trại nuôi tôm đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của họ. Đặc biệt, quá trình triển khai xây dựng khu nuôi tôm, chủ đầu tư xáo trộn nhiều vấn đề ở đây, trong đó có việc phá rừng phòng hộ, cản trở việc đi vào nghĩa trang của xóm...

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất nói trên được UBND xã Nghi Thiết cho ông Nguyễn Văn Lễ thuê gần 20 năm nay (thời hạn 5 năm/1 lần), có diện tích 1,7 ha. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, ông Lễ cho một người khác ở TP Vinh tên là Nguyễn Văn Hào cải tạo, đầu tư mới để tiến hành xây dựng hạ tầng phục vụ một trang trại nuôi tôm cá nhân. Tuy nhiên, khi chủ đầu dự án đang triển khai các hạng mục xây dựng thì bị người dân địa phương phản ứng kịch liệt và phải dừng lại sau đó.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, đến thời điểm bị người dân phản ứng và buộc dừng dự án, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc san lấp mặt bằng và đã tiến hành xây dựng một số hạng mục như đường dây điện, hàng rào, đường ống ngầm, nhà điều hành... Cùng với đó, nhiều cây phi lao hơn chục năm tuổi đã bị triệt hạ để lấy mặt bằng xây dựng nhà cửa, hạ tầng khuôn viên trang trại. Tại thời điểm phóng viên có mặt, toàn bộ công trình đã ngừng thi công hoàn toàn. Tuy nhiên, khi biết phóng viên đến ghi nhận sự việc, người dân địa phương tiếp tục kéo đến phản ứng gay gắt, đồng thời tố cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng các cấp đã buông lỏng quản lý để sự việc xảy ra trong thời gian qua nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Người dân kịch liệt phản đối việc xây dựng dự án nuôi tôm
Người dân kịch liệt phản đối việc xây dựng dự án nuôi tôm

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết xác nhận, diện tích đất ở xóm Bắc Thịnh giáp ranh với diện tích đất rừng phòng hộ ven biển được chính quyền địa phương cho ông Nguyễn Văn Lễ thuê khoán từ năm 2002, 2003 cho đến nay, với mục đích làm trang trại. Theo đó, ông Lễ nộp thuế cho địa phương 1,7 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê là 5 năm/1 lần.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết: Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường để phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý. Cũng theo ông Sơn, khi kiểm tra thì địa điểm xây dựng khuôn viên trang trại nuôi tôm do cá nhân tự ý xây dựng chứ không phải là dự án nào cả. Ban Quản lý rừng phòng hộ cũng đã yêu cầu chủ đầu tư tiến hành tháo dỡ công trình nhà cửa trên phần đất rừng phòng hộ và yêu cầu chủ đầu tư phải trồng cây, trả lại nguyên trạng của diện tích rừng phòng hộ như ban đầu.

Để xảy ra sự việc nghiêm trọng nói trên, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư dự án, tự ý xây dựng trang trại để nuôi tôm khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Điều đáng nói, khu vực chủ đầu tư dự án thực hiện nuôi tôm không nằm trong quy hoạch của địa phương; đất cho thuê chỉ có thời hạn 5 năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đặc biệt, quá trình xây dựng chủ đầu tư còn ngang nhiên chặt phá 40 cây phi lao thuộc đất rừng phòng hộ ven biển...

Hiện tại, dự án đã ngừng thi công, tháo dỡ các hạng mục xây dựng vi phạm, lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, huyện Nghi Lộc và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cần phải xem xét trách nhiệm về quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương xã Nghi Thiết, của chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc) cũng như Kiểm lâm huyện Nghi Lộc, vì đã không kiểm tra, xử lý sai phạm ngay từ đầu.

Đ. Thắng

Các tin khác