(Congannghean.vn)-Với sự chủ động, linh hoạt trong chuẩn bị các nguồn hàng và chính sách bình ổn thị trường nên nhìn chung, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khá ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo đánh giá chung, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 tăng 15 - 20% so với ngày thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm. Tại các chợ dân sinh và siêu thị, hoạt động mua sắm diễn ra sôi động với nguồn hàng dồi dào, đa dạng, mức giá phù hợp.
Nhiều cửa hàng giới thiệu sản vật địa phương được người tiêu dùng chọn lựa trong đợt Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 |
Trong đó, người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trái cây trong khi nhóm hóa mỹ phẩm sức mua giảm. Nhiều siêu thị cũng đã kéo dài thời gian bán hàng thêm 3 - 4 tiếng/ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, trong thời gian Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một số địa phương đã tổ chức các gian hàng, hội chợ với nhiều sản phẩm đặc sản địa phương, thu hút khá đông người dân tham gia và mua sắm. Trên thị trường, hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã giao các sở, ngành chức năng chủ động theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời báo cáo UBND tỉnh có biện pháp cụ thể, đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến... Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu kết hợp với Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong dịp Tết 2019.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo cho các mặt hàng phục vụ người dân trong dịp Tết, hàng hóa năm nay cũng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm. Công an các đơn vị, địa phương, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng, đấu tranh quyết liệt với việc gian lận thương mại, các hành vi làm hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, tiến hành thanh tra chuyên ngành về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ thuế, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa... trọng tâm các các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp Tết Nguyên đán. Các ngành, địa phương đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tốt Chương trình bình ổn thị trường, tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng Việt có chất lượng, để cung ứng trong dịp Tết.
Sau Tết, do thời tiết thuận lợi nên giá thực phẩm, rau, củ, quả cũng khá ổn định do nguồn cung đảm bảo, mức giá không tăng nhiều so với ngày thường. Trên địa bàn tỉnh, từ ngày mồng 2 Tết Kỷ Hợi, thị trường đã hoạt động trở lại. Đến ngày mồng 5, lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường nhiều, chủ yếu là thực phẩm tươi sống và các loại rau. Các mặt hàng đã trở lại bình thường, nhưng sức mua của người dân còn thấp. Hàng hóa đã bắt đầu tập trung về các chợ đầu mối, trong khi các chợ lẻ vẫn đang nghỉ Tết. Bên cạnh đó, các mặt hàng gia dụng, quần áo hầu như mở hàng muộn, chủ yếu đợi sau rằm tháng Giêng.
Theo các tiểu thương, thị trường sau Tết năm nay giá cả ổn định nhờ Chương trình bình ổn giá, nhưng sức tiêu thụ cũng ở mức trung bình, do lượng cung ứng đối với các mặt hàng ra thị trường và nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng vẫn chưa cao. Sau Tết, một số siêu thị bắt đầu áp dụng chương trình khuyến mãi đầu xuân, lì xì may mắn để mang lại niềm vui, may mắn cho khách, đồng thời, thu hút người tiêu dùng sau thời gian dài nghỉ Tết.
Nhìn chung, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hàng hóa được cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả ổn định, không có tình trạng tăng giá, sốt giá. Năm nay, cùng với xu hướng chung của cả nước, người dân Nghệ An đã giảm dần cách mua sắm truyền thống, không giữ thói quen mua thật nhiều để dự trữ Tết. Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tăng cường quản lý địa bàn, kiểm soát thị trường, đấu tranh với hành vi vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm các thủ đoạn gian lận đo lường để tăng giá nhằm thu lợi bất chính; ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
.