Kinh tế xã hội
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
(Congannghean.vn)-Chỉ còn không đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đây là thời điểm mà mức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các mặt hàng thịt, cá, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp này, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, để nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đoàn liên ngành sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo luật định |
Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, cấp quan tâm chỉ đạo. Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh ở tất cả các tuyến. Hoạt động thông tin truyền thông cũng được tăng cường, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, tổ chức, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.
Trong năm 2018, Đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành gồm Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Quản lý thị trường, Công an và một số sở, ban, ngành khác đã tiến hành kiểm tra 3.780 cơ sở. Qua đó, phát hiện 563 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 2,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cũng tiến hành kiểm tra 985 cơ sở, phát hiện 937 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2,6 tỉ đồng; lực lượng Công an phát hiện 682 vụ, 713 đối tượng vi phạm về lĩnh vực ATVSTP.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến hành kiểm tra 456 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó nhắc nhở 2 cơ sở, yêu cầu khắc phục sau 3 tháng, yêu cầu 11 cơ sở ngừng hoạt động, xử phạt 1 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đạt chuẩn; thành lập 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 94 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 28 cơ sở, thu phạt 202 triệu đồng; tổ chức 3 đoàn thanh, kiểm tra dịp Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2018.
Đã thanh, kiểm tra 45 cơ sở, trong đó có 19 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 11 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 15 cơ sở dịch vụ ăn uống. Đoàn đã phát hiện 12/45 cơ sở có hành vi không đảm bảo ATVSTP, tiến hành ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 75 triệu đồng. Giám sát 48 bếp ăn tập thể trường học tại 14 huyện, thành, thị; trong đó có 15 cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện ATVSTP.
Năm qua, ngành Công Thương cũng đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý về ATVSTP tại 7 huyện, thành, thị. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 11.288 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Qua đó, phát hiện 1.801 cơ sở vi phạm, xử lý 867 cơ sở, phạt cảnh cáo 69 cơ sở, phạt tiền 789 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.
Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc với 574 người mắc, 6 người tử vong do ngộ độc rượu và ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ ngộ độc bị phát hiện và gây hậu quả nghiêm trọng, còn những vụ ngộ độc nhẹ thì không được phát giác.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện nay, thị trường hàng Tết trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu sôi động. Tại chợ trung tâm thành phố và các cửa hàng, siêu thị đã bày bán nhiều mặt hàng phục vụ người tiêu dùng ngày Tết. Để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, với mục tiêu kiểm soát và đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2019.
Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, xã, phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, có yếu tố nguy cơ cao mất ATVSTP. Đồng thời, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị, xã hội tham gia phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo ATVSTP nhằm nâng cao kiến thức về ATVSTP cho người tiêu dùng trong việc chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn.
Cùng với đó, huy động tối đa các kênh truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm đến người dân. Thông qua các hoạt động thanh, kiểm tra sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.
Ông Phạm Ngọc Quy, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Đợt cao điểm thanh, kiểm tra ATVSTP dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sẽ diễn ra từ ngày 5/1 - 25/3/2019. Theo đó, các đơn vị liên quan như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đặc biệt là các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tập trung kiểm tra thịt và các sản phẩm từ thịt, đặc biệt là sản phẩm giò, chả, nem, mọc và các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, các loại bánh, mứt, kẹo…
Trong đợt này, Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP sẽ tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP lưu thông, phân phối trên thị trường và các chợ đầu mối, siêu thị. Các đoàn kiểm tra sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo luật định.
Đoàn liên ngành kiểm tra hàng hóa tại một cửa hàng trên địa bàn TP Vinh |
Song song với công tác thanh, kiểm tra, các ngành chức năng sẽ triển khai mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức pháp luật và khoa học về ATVSTP cho cộng đồng; kịp thời thông tin kết quả thanh, kiểm tra về ATVSTP; nêu gương tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật; đồng thời phê phán, nêu tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Hoạt động truyền thông, giáo dục cần thực hiện theo hướng đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từng bước nâng cao ý thức người sản xuất và tiêu dùng trong thực hiện ATVSTP, đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết, bên cạnh sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng, thì người tiêu dùng cũng cần tích cực phát huy vai trò trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm. Do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao, nên một số cơ sở đã lợi dụng để “tuồn” các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng vào kinh doanh, buôn bán dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, mỗi người dân hãy trở thành người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các thực phẩm an toàn, kiên quyết nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng… Người dân cũng không nên tích trữ, chế biến sẵn quá nhiều thực phẩm, đồ ăn trong ngày Tết.
Ðối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định về ATVSTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo quy định, tạo dựng uy tín, niềm tin với người tiêu dùng.
Cao Loan