Kinh tế xã hội
Thế nào được coi là kinh phí tiết kiệm được của đơn vị?
08:36, 14/01/2019 (GMT+7)
Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm được.
Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP.
Theo Điều 8 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Điểm e, Khoản 2 Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/1/2006 hướng dẫn, kết thúc năm ngân sách, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn dự toán kinh phí quản lý hành chính được giao để thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được.
Thực hiện theo quy định trên, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi đã sử dụng nguồn thu tiết kiệm được từ phí sát hạch lái xe, phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng và phí thẩm định dự toán đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở để chi cho các nội dung liên quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và theo quy chế chi tiêu nội bộ của Sở Giao thông vận tải.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi hỏi, Sở có số chi thực tế thấp hơn dự toán kinh phí quản lý hành chính được giao để thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này có được xác định là kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ không?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí quy định:
“2. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 4 Nghị định này được chi dùng cho các nội dung sau đây:
a) Chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan Nhà nước), chi thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập)…
b) Chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan Nhà nước), chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập)…
4. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí chi cho các nội dung tại Khoản 2 Điều này, đối với cơ quan Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ”.
Tại Điều 5 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước quy định: “Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan thực hiện chế độ tự chủ từ các nguồn phí được để lại theo chế độ quy định”.
Tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định: “1. Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm;…”.
Căn cứ quy định trên, tiền phí được để lại là nguồn tài chính của đơn vị, kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ (Sở GTVT) có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm được theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Chinhphu.vn