(Congannghean.vn)-Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan tới chính sách dân tộc và người có công đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Nhiều ý kiến tâm huyết của người dân đều mong muốn các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn nữa, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh trao đổi về công tác đấu tranh với các đường dây làm chế độ thương binh giả trên địa bàn |
Còn nhiều tồn đọng về chính sách người có công
Trong những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác thương binh liệt sỹ (TBLS), người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Nghệ An đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; huy động các nguồn lực xã hội để không ngừng cải thiện đời sống của các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn.
Hiện nay, Nghệ An là 1 trong những tỉnh đang quản lý chi trả trợ cấp thường xuyên và 1 lần cho người có công với cách mạng lớn thứ 3 trong cả nước (sau TP Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa). Tính đến ngày 30/11/2018, toàn tỉnh đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 75.084 đối tượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến đại biểu vẫn trăn trở về việc thực hiện chính sách với người có công còn sai sót, gây bức xúc trong nhân dân; công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”... còn chậm; vẫn để xảy ra sai sót trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ người có công, một số chế độ chưa được giải quyết dứt điểm và kịp thời. Vừa qua, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã kết luận trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có 569 hồ sơ người hưởng chế độ thương binh được thiết lập theo Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA, tại cơ quan Quân đội đang hưởng trợ cấp ngành LĐ-TB&XH Nghệ An bị đình chỉ trợ cấp.
Theo quy định tại Quyết định 408/QĐ-BLĐTBXH, Nghệ An không có hồ sơ người có công tồn đọng đang lưu trữ tại 3 cơ quan LĐ-TB&XH, Quân sự và Công an cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hồ sơ đề nghị xem xét công nhận chế độ ưu đãi người có công với cách mạng nhưng chưa được xác nhận và thực hiện chế độ TBLS, do người tham gia kháng chiến cũng như cơ quan chức năng không lưu trữ được giấy tờ, hồ sơ, căn cứ gốc chứng minh tham gia kháng chiến, chứng minh hy sinh, bị thương... theo quy định.
Hiện nay, theo Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, Nghệ An vẫn còn 28 trường hợp đề nghị nhưng chưa được xác nhận liệt sỹ, trong đó: 13 trường hợp Thanh niên xung phong (TNXP); 8 trường hợp ở xã Diễn Vạn, 7 trường hợp ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu; 813 trường hợp TNXP đề nghị được xác nhận là thương binh; gần 300 trường hợp đề nghị được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học. Việc cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” do rách nát, mất mát thời gian qua vẫn còn chậm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu thân nhân liệt sỹ có nguyện vọng cấp đổi số lượng lớn. Hàng năm, Nghệ An cấp đổi từ 1.000 - 3.000 Bằng “Tổ quốc ghi công” nhưng vẫn còn đề nghị nhiều và tồn đọng chủ yếu do các thông tin, dữ liệu về liệt sỹ để cấp còn thiếu và sai lệch so với nguồn dữ liệu Quốc gia. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đang trình Cục Người có công cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” do rách nát, mất mát cho 823 trường hợp nhưng chưa có kết quả.
Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ đến nay chưa hoàn thành việc giải ngân theo đúng tiến độ. Tính đến ngày 30/11/2018, tổng số hộ đã thực hiện hoàn thành và đã hỗ trợ kinh phí giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là 18.246 hộ. Theo tính toán, do nhiều nguyên nhân liên quan đến đối tượng hưởng chế độ, mức giải ngân đến hết năm 2018 tối đa cũng chỉ đạt khoảng 85% số kinh phí ngân sách Nhà nước đã bố trí năm 2018. Đông đảo người dân và cử tri mong muốn trong thời gian tới, các ngành liên quan, nhất là Sở LĐ-TB&XH cần nỗ lực, tập trung giải quyết tốt chính sách liên quan đến người có công trên địa bàn, tránh để sai sót, nhầm lẫn, chậm tiến độ.
Quan tâm, đầu tư chính sách dân tộc
Tại Nghệ An, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản (trong đó có 94 xã thuộc khu vực III, 112 xã khu vực II và 46 xã khu vực I; 1.175 thôn, bản đồng bào khó khăn), 27 xã của 6 huyện biên giới tiếp giáp 468,281 km đường biên giới với nước bạn Lào. Diện tích là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số là 1.197.628 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh). Trong đó, đồng bào DTTS là 466.161 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi. Cả tỉnh có 39 dân tộc, trong đó DTTS có số đông chủ yếu là: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Trong những năm qua, nhờ các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho vùng DTTS đã giúp kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc có bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, 100% thôn, bản có đảng viên, chi bộ. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững. Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách dân tộc được phân chia thành 13 nhóm và liên quan đến 17 sở,11 ban, ngành triển khai chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, cả nước có 96 chính sách được thể hiện qua 152 văn bản đang có hiệu lực chỉ đạo thực hiện. Trong đó, các chính sách dân tộc còn có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 70 chính sách của Trung ương, 12 chính sách của tỉnh (tính đến 30/6/2018) và liên quan trực tiếp đến 14 sở, ban, ngành chỉ đạo thực hiện.
UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực tham mưu chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, theo Quyết định 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hàng năm, Ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, bổ sung người có uy tín trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận. UBND các huyện giao cho Phòng Dân tộc hoặc cơ quan thực hiện công tác dân tộc tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn huyện. Hướng dẫn địa phương thực hiện phát huy vai trò người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, kiểm tra, giám sát, thu thập ý kiến, kiến nghị của người có uy tín.
Công tác triển khai thực hiện kịp thời và rộng khắp, các huyện, thị xã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, rà soát và bình xét người có uy tín đảm bảo theo quy trình, đúng đối tượng, triển khai đồng bộ từ tỉnh xuống đến cơ sở xã, thôn, bản… Điển hình như chính sách với người có uy tín. Trong thời gian qua, người có uy tín được nhân dân và đồng bào dân tộc tín nhiệm bầu, đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, tham gia cùng chính quyền địa phương phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của địa phương.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của người có uy tín, việc phối hợp vận động người có uy tín đôi lúc thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, công tác triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn chậm, thiếu chủ động; chế độ thông tin báo cáo từ cơ sở chưa kịp thời, đầy đủ. Trong khi kinh phí thực hiện chính sách được phân bổ chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu để thực hiện tốt chính sách.
Ngoài việc tập trung nguồn lực xã hội cho vùng miền núi và DTTS, cử tri mong muốn chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ địa phương, nhất là người DTTS bởi họ gắn kết với địa phương, đồng bào. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết vươn lên từ thế mạnh của mảnh đất quê hương mình.