(Congannghean.vn)-Đến nay đã 1 tháng kể từ khi Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức đi vào cuộc sống. Tại Nghệ An, chủ trương mới cơ bản nhận được sự phản hồi tích cực của người dân, nhất là những đối tượng có thẻ BHYT và các cơ sở y tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ một số băn khoăn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chất lượng KCB.
Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên |
Giá dịch vụ KCB giảm sâu
Theo Thông tư 15, có 70 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm trung bình từ 5% - 24%. Trong đó, 6 giá khám bệnh của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã giảm bình quân 17%; 34 giá ngày giường bệnh của 5 hạng bệnh viện và các loại giường giảm trung bình 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm giảm 24%. Với Thông tư mới này, giá khám bệnh cũng sẽ giảm từ 15% - 20%. Ngoài ra, 40 dịch vụ kỹ thuật cũng được điều chỉnh giảm, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, X-quang, MRI… Cùng với đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật giảm giá rất mạnh, lên đến 50% như: Phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF, nội soi tai mũi họng...
Trong bối cảnh vật giá leo thang, việc các dịch vụ y tế có xu hướng giảm được xem là tín hiệu vui đối với người dân. Về phía ngành Y tế, chủ trương giảm giá một số dịch vụ y tế nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo cân đối quỹ BHYT; đồng thời, góp phần nâng cao năng lực và công suất của các bệnh viện tuyến dưới khi thời gian gần đây, Nhà nước đã có sự đầu tư tương xứng đối với các bệnh viện này.
Tại Nghệ An, sau 1 tháng kể từ khi Thông tư 15 có hiệu lực, nhìn chung việc triển khai chủ trương mới có nhiều thuận lợi. Sự điều chỉnh giá các dịch vụ y tế được đại đa số người dân đồng tình. Song, cũng có một bộ phận bày tỏ băn khoăn và mong muốn, dù giảm giá nhưng tất cả các xét nghiệm, kỹ thuật KCB cũng như phác đồ điều trị vẫn được thực hiện đầy đủ, chất lượng nhằm đảm bảo việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Về phía các đơn vị thực thi chủ trương, nhờ được triển khai hướng dẫn sớm nên các cơ sở y tế trong tỉnh đã kịp thời điều chỉnh lại giá dịch vụ KCB BHYT, số hóa cách tính trong phần mềm… với tâm thế chủ động. Đơn cử như tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, để thực hiện tốt quy định mỗi ngày một bác sĩ ở mỗi bàn khám tiếp nhận tối đa 65 bệnh nhân, đồng thời đảm bảo chất lượng các dịch vụ y tế, Bệnh viện đã chủ động bố trí thêm bàn khám và nhân sự làm các dịch vụ cận lâm sàng; thực hiện khám bệnh từ 5 giờ hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bệnh viện gặp khó, người dân băn khoăn chất lượng KCB
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thông tư 15 cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Trước đây, Thông tư 37 quy định một bàn khám ở bệnh viện hạng đặc biệt là 40 lượt khám/ngày, nay Thông tư 15 tăng lên 65 bệnh nhân/bác sĩ/bàn khám/ngày. Như vậy, thời gian khám cho bệnh nhân sẽ giảm xuống. Điều này đã tạo áp lực cho các cán bộ y tế; đồng thời, những băn khoăn của người dân về chất lượng KCB là hoàn toàn có cơ sở. Dẫn chứng củng cố thêm cho điều đó là quy định về việc giảm giá ngày giường bệnh điều trị, nhất là trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.
Rõ ràng, nếu áp dụng mức giá bằng 50% thì các bệnh viện sẽ cắt giảm các chi phí khác, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng và thiệt thòi quyền lợi. Cùng với đó, các quy định về cận lâm sàng như tần suất tối đa mà các loại máy như máy siêu âm, máy X-quang, máy CT… được phép thực hiện tối đa trong một ngày cũng được cho là không hợp lý.
Cũng theo Thông tư 15, giá của một số phẫu thuật nội soi sẽ thấp hơn so với phẫu thuật mổ mở. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều bệnh viện đã đầu tư phát triển các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, trang bị máy móc hiện đại.
Bởi vậy, trong bối cảnh rất nhiều bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính thì việc quy định cứng mức khám cũng như các thủ thuật cận lâm sàng đã làm sụt giảm nguồn thu trầm trọng. Về lâu dài, nếu như các bệnh viện không thể cân đối được thì khả năng cao là chất lượng KCB sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư 15 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, góp phần làm tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật, tăng số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết… Được biết, sắp tới, ngành Y tế sẽ rà soát lại giá các dịch vụ khác và có thể sẽ cắt giảm thêm. Mục đích là hướng tới đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân, sự phát triển của bệnh viện mà vẫn đảm bảo cân đối quỹ BHYT.