Một vài đồng nghiệp cũ của tôi đã rời làng báo để khởi nghiệp. Mỗi người mỗi nghề, trong đó, có người bạn làm dự án mang gốm Chăm ở Nha Trang, Ninh Thuận vào TP HCM.
Về mặt ý nghĩa truyền thông thì xem ra khá ổn vì gần như đây là dự án đầu tiên. Thế nhưng chuyện lãi - lỗ đằng sau đó là cả một vấn đề. Đơn giản, gốm là mặt hàng dễ vỡ vô cùng, cho nên chuyện vận chuyển từ Nha Trang vào TP HCM thì 10 cái hao hụt chỉ còn 5-7 cái là hết sức bình thường. Mà đồ mỹ nghệ, sứt mẻ chút xem như vứt đi chứ chưa nói đến là vỡ làm đôi ra.
Kế đến là chuyện xăng dầu tăng giá. Bạn tôi nói, xăng nhích lên vài trăm đồng, cước xe mỗi chuyến hàng tốn thêm vài trăm nghìn. Và vài thùng hàng về đến nhà thì tiền cước vận chuyển đã hơn triệu. Nếu theo đó mà tăng giá sản phẩm lên cao thì không thể bán. Mà giữ giá cũ thì có khi phải bù lỗ vì hư hỏng, vì phí vận chuyển!
Bạn tôi nói, bây giờ “ông Tài chính” đòi tăng giá xăng lên vì phí môi trường thì có lẽ ngoài bán gốm, phải bán thêm rơm (dùng để lót gốm khi vận chuyển) và đàn dế cơm sống trong đó nữa mới đủ trả phí!
Kể một câu chuyện rất nhỏ này để nói lên ý rằng, chuyện các mặt hàng thiết yếu xăng, dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân là như thế, một cách cụ thể như thế chứ không phải chỉ là “doanh nghiệp” nào đó mang tính chất chung chung.
Ở đất nước này, có bao nhiêu người lao động, buôn bán nhỏ lẻ, hay mới khởi nghiệp như bạn tôi? Tôi nghĩ là đa số. Mà đó chỉ mới nói đến phía người cung cấp sản phẩm, phía người tiêu dùng càng chịu sự ảnh hưởng khủng khiếp hơn. Xăng dầu tăng giá, mọi nhu yếu phẩm, từ con cá, mớ rau ngoài chợ đều sẽ “leo thang”.
Thực tế, mỗi khi xăng dầu tăng giá là tác động rất lớn đến giá bán của hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cả xã hội và nền kinh tế đất nước. Đó là điều chắc chắn đã được chứng minh, đã có nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo và nhân dân lên tiếng. Song, Bộ Tài chính xem chừng vẫn rất kiên quyết với việc này qua khoản tăng các loại thuế.
Cụ thể là mới đây, Bộ này đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó từ 1-7-2018, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít...
Minh họa: Lê Phương. |
Lý do của lần đề xuất này cũng giống như những lần trước đây: để bù vào khoản thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do.
Theo thống kê, từ năm 2010-2015, thuế bảo vệ môi trường đã tăng lên từ 1.000-3000 đồng/lít, mà “khủng” nhất là vào năm 2015, từ 1.000 tăng vọt lên đến 3.000 đồng/lít chỉ trong vòng 1 năm qua 2 lần điều chỉnh tăng.
Tất nhiên là cũng từ năm ấy, hàng hóa cũng đội giá vọt theo cho đến tận bây giờ. Bây giờ, vẫn lý do cũ là bù khoản cắt giảm thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung lên 4.000đồng/lít.
Hiện tại, giá xăng dầu đang cõng quá nhiều loại thuế và phí, trung bình mỗi lít xăng bán ra thị trường hiện phải chịu 4 loại thuế là: Thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Tổng tiền thuế khoảng 7.000 đồng/lít xăng. Nếu tiền này quy ra đồng Ring của Malaysia thì bằng tương đương giá trị 1 lít xăng bán ra bên đấy!
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, có lẽ, người ta cũng sẽ ủng hộ thôi nếu như Bộ Tài chính rõ ràng, minh bạch được rằng: tiền thuế này được dùng vào việc bảo vệ môi trường như thế nào?
Nhưng sau bao lần đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, câu hỏi này vẫn chưa hề được trả lời rõ ràng. Lý do là vì, tiền thuế này thật ra là bù đắp vào khoảng hụt ngân sách và chi cho nhiều hoạt động khác, trong đó có chi một phần cho bảo vệ môi trường!
Một câu hỏi nghiêm túc đặt ra rằng, khi thuế môi trường tăng đến 3.000 đồng/lít xăng từ năm 2015 đến nay, thì phí chi cho việc bảo vệ môi trường là bao nhiêu % và môi trường từ đó đến nay đã thay đổi như thế nào, có tỷ lệ thuận với số tiền thuế môi trường tăng trên mỗi lít xăng hay không?
Và đây là câu trả lời: Từ năm 2012-2017, trong khi khoản thu từ nguồn thuế bảo vệ môi trường tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần!
Cụ thể năm 2012, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm. Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít vào năm 2015.
Nhưng trong khi đó, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.
Tính ra thì nếu thu 4 đồng tiền thuế môi trường với xăng thì khoản chi để bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng mà thôi. Như vậy, tiền thu thuế trên không hề thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường. Đó là điều bất hợp lý.
Vậy môi trường đã thay đổi ra sau 5 năm qua? Có lẽ ai cũng cảm nhận rõ ràng được tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, nơi có hàng chục triệu ôtô, xe máy lưu thông hằng ngày. Trong khi chắc chắn khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường là không hề nhỏ.
Tóm lại, việc tăng các khoản thuế, nhất là với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu để bù vào khoản ngân sách thiếu hụt là cách khó có thể nào nhận được sự đồng thuận từ nhân dân. Bởi đó là cách đánh trực tiếp lên đầu họ trong khi có những cách hiệu quả, cần thiết và nên làm nhất cần phải quyết liệt.
Đó là đề ra các giải pháp nhằm thắt chặt chi tiêu công, chi tiêu công hiệu quả hơn và đặc biệt là vấn đề tinh gọn biên chế. Đó cũng chính là cách thiết thực và hiệu quả để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết do Hội nghị Trung ương 7 đề ra.
Bởi hiện tại, theo thống kê thì chỉ riêng tiền lương chi trả cho công chức hiện nay tại Việt Nam đã chiếm tới 50% chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, tương đương hơn 400.000 tỷ đồng mỗi năm! Đó là một gánh nặng khủng khiếp so với chất lượng công chức hiện nay!