Kinh tế xã hội

Tăng cường quản lý an toàn lao động tại các làng nghề

10:49, 22/05/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thực tế cho thấy, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới phương thức sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc từ thủ công sang sử dụng máy móc, thiết bị. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, đi liền với đó là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, tai nạn lao động do công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại khu vực này còn bỏ ngỏ.

Việc sử dụng máy móc phục vụ sản xuất tại các làng nghề đòi hỏi cần tăng cường trang bị các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động
Việc sử dụng máy móc phục vụ sản xuất tại các làng nghề đòi hỏi cần tăng cường trang bị các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động

Hiệu quả ứng dụng công nghệ

Hiện, toàn tỉnh có gần 150 làng nghề, với các sản phẩm phong phú, đa dạng chủng loại như mây tre đan, hương trầm, thổ cẩm, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, sản xuất gạch, ngói đến chế biến miến gạo, bún bánh, hải sản... Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng quy mô, nhiều làng nghề truyền thống đã chú trọng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đơn cử như nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu. Nhờ trang bị máy đục gỗ vi tính, các cơ sở đã tiết kiệm một khoản chi phí lớn về nhân lực, giúp tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm; đồng thời hạ giá thành và nâng cao tính cạnh tranh.

Không chỉ mộc mỹ nghệ, hiện nay, rất nhiều làng nghề tại huyện Quỳnh Lưu đang từng bước thay đổi phương thức, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Toàn huyện có 30 làng nghề được công nhận với 7 loại ngành nghề chính là mộc mỹ nghệ, gạch không nung, mây tre đan, chế biến thủy - hải sản, sửa chữa tàu thuyền, hoa cây cảnh, sản xuất miến. Trong đó, có 5 ngành nghề sử dụng máy móc và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Nhờ áp dụng KHKT, sản phẩm làm ra đảm bảo chắc chắn, phục vụ tốt nhu cầu xây dựng các công trình kiên cố. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất tại nhiều làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng khẳng định hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Bỏ ngỏ vấn đề an toàn vệ sinh lao động

Bên cạnh những làng nghề lớn, có thương hiệu, hiện vẫn còn nhiều làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, mang tính địa phương, mặt bằng sản xuất chật hẹp và xen kẽ với khu vực sinh hoạt. Để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các làng nghề vẫn chưa thật sự chú trọng đến việc thực hiện các quy định về đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.

Trên thực tế, nhiều cơ sở vẫn đang sử dụng máy móc không đảm bảo an toàn, không có tài liệu kỹ thuật phục vụ việc hướng dẫn vận hành thiết bị... Trong đó, có nhiều trường hợp trang bị máy móc đã qua sử dụng, máy móc không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong quá trình làm việc, nhiều lao động không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ và bản thân họ cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro lao động..., đặc biệt là tại các làng nghề sản xuất gạch ngói, cơ khí. Phần lớn người lao động phải thường xuyên tiếp xúc các yếu tố khói bụi, tiếng ồn, hóa chất, bị nhiễm các bệnh liên quan đến hô hấp và đối diện với nhiều nguy cơ dẫn đến bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh ngoài da…

Trong khi đó, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động rất khó thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, công tác tập huấn về đảm bảo ATVSLĐ đối với các lao động làm việc tại các làng nghề vẫn còn hạn chế.

Để đảm bảo ATVSLĐ tại các làng nghề, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn kiến thức ATVSLĐ cho các lao động làm việc tại các làng nghề để họ nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn bằng những biện p5háp hỗ trợ cần thiết; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra ATVSLĐ; phòng, chống cháy nổ cũng phải được tiến hành thường xuyên. Hiện, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai việc xây dựng mô hình an toàn lao động ở một số làng nghề; trong đó chú trọng việc đảm bảo an toàn ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất.

Thiết nghĩ, với sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề trên địa bàn tỉnh như hiện nay, các cấp, ngành liên quan cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên nhằm phục vụ quá trình phát triển bền vững của loại hình này cũng như góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Thùy Dương

Các tin khác