Kinh tế xã hội

Gắn phát triển du lịch với 'đặc sắc xứ Nghệ'

08:46, 30/05/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Phát triển du lịch, khai thác triệt để những lợi thế về tiềm năng cảnh quan - nhân lực - cơ sở hạ tầng là mục tiêu chung của nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An. Để ngành kinh tế này trở thành mũi nhọn thực sự, việc gắn phát triển với xây dựng các thương hiệu, “đặc sắc xứ Nghệ” là điều cần làm ngay.

Cơ sở hạ tầng phát triển góp phần quan trọng để du lịch tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới
Cơ sở hạ tầng phát triển góp phần quan trọng để du lịch tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới

Tiềm năng về du lịch xứ Nghệ là điều không cần bàn cãi. Với hơn 2.600 di tích lịch sử, danh thắng; có sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc; tài nguyên thiên nhiên ưu đãi với 82 km bờ biển, có khu dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới…, thiên nhiên - lịch sử đã ưu đãi cho mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nhiều lợi thế. Ở Nghệ An hội tụ rất nhiều yếu tố để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương.

Trên thực tế, lãnh đạo các cấp cũng luôn xem đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về du lịch được ban hành: Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch bổ sung, sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua; Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp ngày càng quan tâm đến phát triển du lịch. Sở Du lịch được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017.

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, hoạt động du lịch đã có sự khởi sắc trong nhiều năm qua. Nhiều điểm du lịch mới luôn hút lượng khách đông đến tham quan, du lịch. Điển hình, Khu di tích Kim Liên trong năm đã đón và phục vụ trên 1,8 triệu lượt khách, trong đó có trên 6.000 lượt khách quốc tế; TX Cửa Lò đón 2,47 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,41 triệu lượt khách lưu trú... Ngoài ra, các điểm du lịch văn hoá, sinh thái, tâm linh trong tỉnh đều có lượng khách tăng cao.

Hoạt động lưu trú du lịch vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp mới được đầu tư đưa vào hoạt động, như Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Vinpearl Cửa Hội, khách sạn Summer, khách sạn Blue Way, khách sạn Sapa... thu hút được nhiều hội nghị, hội thảo và các hoạt động du lịch có quy mô lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch Nghệ An vẫn chưa tạo sức đột phá lớn. Chủ yếu thế mạnh được khai thác trong thời gian qua liên quan đến cảnh sắc thiên nhiên mà các dịch vụ đi kèm vẫn thiếu đồng bộ. Tiêu biểu như Cửa Lò, du khách đến chủ yếu là tắm biển, nghỉ dưỡng ngắn ngày. Các khu vui chơi, du lịch vẫn còn kém hấp dẫn, chưa thực sự tạo thành điểm nhấn để níu chân du khách tham quan. Các sản phẩm du lịch đặc trưng chưa nhiều, đa dạng, phong phú như nhiều tỉnh thành khác. Hầu hết du lịch Nghệ An gần như chưa có dịch vụ ban đêm, khách lưu trú qua đêm không có điểm đến giải trí, khiến nguồn thu từ dịch vụ du lịch hạn chế.

Vì thế, không khó hiểu khi theo số liệu thống kê, năm 2017, Nghệ An đón 5,6 triệu lượt khách thì có đến hơn 2 triệu lượt khách chỉ đến tham quan chứ không lưu trú. Cùng với đó, khách quốc tế chiếm tỉ trọng rất thấp, chỉ khoảng hơn 109.000 lượt.

Vì thế, định hướng phát triển du lịch cần xác định lợi thế - khác biệt của Nghệ An. Theo đó, lựa chọn và xây dựng biểu tượng du lịch Nghệ An gắn với đặc sắc Nghệ An: Đất học - địa linh nhân kiệt - hội tụ tinh hoa trên nền “non xanh nước biếc”. Những “biểu tượng” đó cần được khai thác triệt để, gắn thế mạnh tiềm năng với dịch vụ đi kèm. Bên cạnh đó, cần thiết phải có 1 sân bay quốc tế đúng tầm; 1 chương trình phát triển du lịch quốc gia; chương trình kết nối du lịch vùng, lấy TP Vinh và quê Bác làm tọa độ trung tâm.

Mục tiêu quan trọng mà tỉnh Nghệ An đặt ra đến năm 2020 là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các địa phương trong nước và khu vực, nhất là các địa bàn trọng điểm của tỉnh.

Riêng trong năm 2018, Nghệ An phấn đấu đón và phục vụ 4,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 9% so với dự ước thực hiện năm 2017, trong đó có 126 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2017; tổng thu từ du lịch đạt 6.850 tỉ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3.530 tỉ đồng, tăng 14,2% so với dự ước thực hiện năm 2017. Để đạt mục tiêu đó, “bài toán” nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhân lực lao động vẫn đòi hỏi ngành du lịch nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung phải nỗ lực hơn nữa trong triển khai mạnh mẽ các kế hoạch, giải pháp đồng bộ.

Tuệ Trang

Các tin khác