Kinh tế xã hội
Nhiều 'đất vàng, đất bạc' rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc
Mở đầu phần thảo luận, ĐBQH Đinh Duy Vượt đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, đặc biệt là kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng không có “vùng cấm” chưa từng có, đánh giá cao những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, Trung ương đã và đang làm gương cho địa phương trên nhiều lĩnh vực, tạo ra áp lực lan tỏa, buộc tất cả đều vào cuộc hành động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động, đồng thuận cao, phối hợp chia sẻ với Chính phủ, thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ sâu sát cơ sở, trực tiếp đối thoại chỉ đạo, tháo gỡ nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, chính vì vậy đã đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện…
ĐBQH Đinh Duy Vượt |
Tuy nhiên bên cạnh đó ông cũng nêu ra thực trạng những bức xúc phức tạp, ách tắc trên lĩnh vực đất đai, kính đề nghị Chính phủ sớm tập trung giải pháp nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, những khu vực “đất vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
“Nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ bởi vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là “đất vàng, đất bạc” rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc, không đầu tư cho sản xuất mà chăm chăm vào sang nhượng dự án hoặc phân lô bán nền” – đại biểu thẳng thắn nói.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là “sân sau” của một số quan chức cùng cộng sinh thâu tóm, chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoạn, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng Trung ương thì sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn vì dây mơ, rễ má, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm.
Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai hiện nay không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, có nhiều vụ kéo dài hàng chục năm chưa dứt điểm. Những công cuộc giải phóng mặt bằng với mong muốn tạo lập những công trình to đẹp nhưng lại dấy lên những làn sóng phản ứng của một bộ phận không nhỏ người dân, tạo nên những bức xúc lớn.
“Đất đai đã là công sản quốc gia nhưng khi nhà nước cần sử dụng, lấy lại thì rất khó. Nhiều đại gia giàu lên nhờ đất đai nhưng lợi ích mà đất đai mang lại, nhất là sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng lại chỉ tập trung ở một bộ phận nhỏ mà không được phân phối công bằng”, ông lo ngại.
ĐBQH Trần Văn Lâm |
Đại biểu băn khoăn, có phải chính sách pháp luật đất đai của chúng ta đến nay đã lạc hậu? Theo ông, đất nước đã trải qua mấy chục năm đổi mới, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển vượt bậc, nhưng quan hệ sản xuất dựa trên nền tảng sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai và phân phối lợi ích từ đó mang lại dường như chưa thay đổi kịp, nhiều mâu thuẫn tích tụ.
“Phải chăng đã đến lúc cần một cuộc cách mạng ruộng đất, “cởi trói” cho thời kỳ phát triển mới của đất nước?” – ĐBQH tỉnh Bắc Giang chất vấn.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) nhận định, một trong những nguyên nhân khiến 75% đơn thư khiếu kiện ở địa phương thuộc lĩnh vực đất đai là còn nhiều điểm bất cập, thiếu đồng bộ chưa hợp lý trong quy định về quản lý đất đai trong Luật Đất đai cũng như các văn bản pháp luật liên quan.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết những nhu cầu chính đáng của người dân, đồng thời giữ kỷ cương phép nước”, đại biểu Tùng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo CAND