Tại cuộc họp chiều 16/4 với lãnh đạo Bộ Y tế, Công an và các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lên án mạnh mẽ và yêu cầu xử lý nghiêm hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Tuấn Minh |
Liên quan tới sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca được phản ánh làm từ bột tre, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết, Bộ Y tế đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm có ghi hỗ trợ điều trị ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hoang mang cho người dân.
Vị đại diện Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này và cho biết đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đồng thời khẳng định đây là cơ sở chưa được cấp phép, sản phẩm cũng chưa được công bố theo quy định, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý.
Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của Công an TP. Hải Phòng, Tổng cục đã cử lực lượng chức năng phối hợp với Công an Hải Phòng tổ chức điều tra, kết luận làm rõ và bước đầu xác định cơ sở sản xuất này sản xuất thực phẩm chức năng không có giấy phép và không loại trừ việc sản phẩm này đã được vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương trên cả nước. Lực lượng chức năng đã tổ chức bên cạnh việc điều tra tại chỗ, còn mở rộng điều tra nhằm xác định vụ việc này lan tỏa đến đâu để kịp thời ngăn chặn.
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát khuyến cáo người dân khi thấy sản phẩm này thì không sử dụng vì đây là sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, không có giấy phép, không được công bố. Ông Phạm Văn Các đề nghị người dân khi phát hiện những cơ sở sản xuất tương tự cũng như các đối tượng đang rao bán những sản phẩm này thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để báo cáo Tổng cục Cảnh sát, Công an địa phương kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Về vụ việc này, Thiếu tướng Phạm Văn Các cho biết sau khi có kết quả điều tra theo đúng quy định của pháp luật sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo kịp thời với lãnh đạo Chính phủ cũng như các bộ ngành.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Tuấn Minh |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vụ việc này. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan tới sức khỏe con người đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Trong đó chú trọng đặc biệt tới các sản phẩm liên quan tới việc điều trị, hỗ trợ điều trị các căn bệnh nan y như ung thư. Bởi người bệnh khi mắc những bệnh nan y thì phải được điều trị, hỗ trợ điều trị bằng sản phẩm có chất lượng, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng. “Bất kỳ vụ việc nào liên quan tới những căn bệnh như ung thư, người dân đều rất bức xúc, do đó các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý hết sức nghiêm minh”, Phó Thủ tướng nói.
Hoan nghênh lực lượng chức năng của Hải Phòng, Hà Nội và các địa phương đã dày công trinh sát, làm các công tác nghiệp vụ để phát hiện ra vụ việc cũng như sự vào cuộc nhanh, phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố liên quan, các Sở Y tế, và các đơn vị chức năng của Bộ Y tế xử lý nghiêm minh vụ việc này và các vụ việc tương tự theo đúng quy định của pháp luật.
Khẳng định tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan tới lĩnh vực dược phẩm, có rất nhiều thủ đoạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu nếu không sẽ rất khó đấu tranh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự nhanh nhạy của truyền thông, báo chí và mong các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh các vụ việc tương tự, đồng hành tuyên truyền cho người dân ý thức sử dụng thuốc thì cần xem xét rất kỹ và tốt nhất là tham vấn ý kiến chuyên môn.
Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương, nỗ lực triển khai đề án quản lý tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc bằng kết nối mạng, yêu cầu truy xuất đến tận cùng các sản phẩm. Cho biết đề án này đã được triển khai thí điểm tại Phú Thọ, Hưng Yên và một số địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai đồng loạt trong năm 2018 bởi đây là giải pháp lâu dài, căn bản để giúp người dân nhận biết thuốc, thực phẩm chức năng tin được, đâu là thật, đâu là giả.
Đối với việc trao các giải thưởng, chứng nhận của các tổ chức cho các sản phẩm, thương hiệu liên quan tới dược phẩm mà không lấy ý kiến chuyên môn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý vấn đề này, có ý kiến chuyên môn đối với các sản phẩm đạt giải thưởng, danh hiệu, để tránh việc người dân lầm tưởng là sản phẩm thật, sản phẩm tốt. “Tôi yêu cầu Bộ Y tế phải có tiếng nói, phải can thiệp, không thể đứng ngoài để những đơn vị tổ chức giải thưởng lý luận là chỉ công nhận thương hiệu mà không quan tâm tới vấn đề chất lượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.