Kinh tế xã hội
Phát triển du lịch: Cần chiến lược 'dài hơi'
(Congannghean.vn)-Đầu tư phát triển du lịch là nhân tố then chốt để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp “không khói”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với đó, tư duy phát triển du lịch theo kiểu “ăn xổi” ở một số địa phương đang đặt ra yêu cầu cần có chiến lược dài hạn để du lịch thật sự trở thành điểm nhấn của Nghệ An.
Việc chú trọng khai thác các điểm du lịch mới, độc đáo góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển (Trong ảnh: Cánh đồng hoa hướng dương ở huyện Nghĩa Đàn “hút” khách du lịch) |
Đẩy mạnh liên kết du lịch
Theo báo cáo thu hút đầu tư năm 2017 của tỉnh, cơ cấu ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng lĩnh vực dịch vụ (thương mại và du lịch) với 104 dự án, chiếm 25,51% tổng vốn đầu tư đăng ký, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ. Thực tế trên cho thấy, việc thu hút đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành công nghiệp “không khói”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành du lịch Nghệ An cũng có nhiều bước phát triển quan trọng; trong đó, đặc biệt chú trọng tới vấn đề liên kết du lịch với nhiều vùng, miền trên cả nước như vùng Tây Bắc, với việc thực hiện nhiều chương trình liên kết, hợp tác quảng bá du lịch nội vùng và với các tỉnh trong, ngoài nước thông qua tuyến đường bộ và đường sắt. Nhờ vậy, hàng năm, lượng du khách từ các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đến với Nghệ An ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch biển.
Liên quan đến thực tế việc phát triển du lịch ở nhiều địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, còn tồn tại tư duy “ăn xổi”, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận điểm du lịch địa phương năm 2017, trong đó đề ra yêu cầu cần quản lý và khai thác các điểm này theo đúng quy định của Luật Du lịch, Luật Di sản và các văn bản liên quan. Việc công nhận các điểm du lịch địa phương nhằm thực hiện mục tiêu chuyên nghiệp hoá các điểm du lịch; đồng thời, nêu cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của ngành quản lý, chính quyền địa phương cũng như mỗi người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn các điểm đến và khẳng định thương hiệu du lịch Nghệ An.
Cần chiến lược lâu dài
Tại phiên thảo luận HĐND tỉnh khóa XVII, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh đã nêu lên thực trạng ngành du lịch địa phương: Cơ sở hạ tầng du lịch chỉ mới đáp ứng nhu cầu dân sinh mà thiếu chiến lược phát triển lâu dài. Hoạt động quảng bá du lịch còn nhiều khó khăn do nguồn lực bố trí quá ít. Chất lượng dịch vụ vẫn còn thấp, các cơ sở lưu trú phát triển “nóng” về số lượng, nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu.
Tính đến cuối tháng 11/2017, tại Nghệ An có 170 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ. Trong khi đó, còn rất nhiều hướng dẫn viên không có thẻ, hoạt động mang tính thời vụ cho các công ty lữ hành. Qua tìm hiểu được biết, hiện những đối tượng này đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bởi những quy định mới của Luật Du lịch 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với những quy định thắt chặt hơn về điều kiện hành nghề; đơn cử như việc phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Trước thực tế trên, Sở Du lịch Nghệ An đã ban hành Công văn về việc triển khai quản lý hướng dẫn viên theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó đề nghị Hiệp hội Du lịch Nghệ An nghiên cứu đề xuất thành lập Hội hoặc Chi hội hướng dẫn viên thuộc Hiệp hội Du lịch Nghệ An với mục đích bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cũng như kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên theo quy định của pháp luật.
Từ những thực tế trên, thiết nghĩ, để ngành du lịch tỉnh nhà phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần một tầm nhìn chiến lược, với tư duy bài bản cả trong đầu tư và quy hoạch các phương thức dịch vụ, điểm đến, quảng bá hình ảnh cũng như chú ý đầu tư vào các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo và đội ngũ hướng dẫn viên đủ tâm, đủ tầm. Đó cũng là những nhiệm vụ mà ngành du lịch tỉnh nhà cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả để xây dựng thương hiệu vững bền trong lòng du khách.
Thùy Dương