Kinh tế xã hội

Cần hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho lao động lò gạch thủ công

08:23, 10/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, Tân Kỳ là huyện có số lượng lò sản xuất gạch ngói thủ công (GNTC) nhiều nhất tỉnh với 172 lò. Thực hiện theo lộ trình của UBND tỉnh, đến ngày 31/12/2017 sẽ hoàn thành xóa bỏ lò GNTC truyền thống và thủ công cải tiến công nghệ xử lý khí thải trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho các lao động tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Các lò gạch ngói thủ công tại xã Nghĩa Hoàn sắp bị xóa bỏ, kéo theo hàng nghìn người dân có nguy cơ thất nghiệp
Các lò gạch ngói thủ công tại xã Nghĩa Hoàn sắp bị xóa bỏ, kéo theo hàng nghìn người dân có nguy cơ thất nghiệp

Xã Nghĩa Hoàn được biết đến là “thủ phủ gạch ngói” của huyện Tân Kỳ, bởi tập trung hơn 70% số lò GNTC. Trong thời gian qua, các lò GNTC, thủ công cải tiến và lò thủ công kiểu đứng hoạt động liên tục đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn, hàng năm cung cấp hàng triệu sản phẩm ra thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo lộ trình của UBND tỉnh Nghệ An, đến ngày 31/12/2017 sẽ xóa bỏ các lò GNTC khiến nguy cơ hàng nghìn người dân nơi đây và các vùng phụ cận như các xã Nghĩa Thái, Vạn Xuân... có nguy cơ thất nghiệp.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tuy nhiên không khí ở xã “tỉ phú” với thương hiệu ngói Cừa này lại trầm lắng đến lạ thường. Chị Hoàng Thị Hoàn, chủ một lò sản xuất GNTC ở xã Nghĩa Hoàn cho biết: “Nghĩa Hoàn nổi tiếng với nghề làm gạch ngói lâu nay, nhờ vậy mà nhiều gia đình giàu lên; đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn và các xã lân cận. Sắp tới, nếu xóa bỏ các lò GNTC thì lò ngói của chúng tôi với 10 công nhân phải nghỉ việc. Khi mới chuyển đổi sản xuất thủ công sang công nghệ mới, chúng tôi phải góp vốn điều lệ gần 200 triệu đồng để tiếp tục hoạt động. Nơi đây có nhiều chủ lò gạch không có điều kiện đã phá bỏ lò, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Nếu không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, e rằng chúng tôi cũng không theo được”.

2 vợ chồng anh Lê Văn Cao trú tại xã Nghĩa Thái, hiện đang làm việc tại các lò ngói thủ công cho biết: “Hơn 7 triệu đồng/tháng của cả 2 vợ chồng là nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi nghe nói các lò gạch ngói nơi đây sắp phải đóng cửa, chúng tôi lo lắng sau này sẽ không biết sống như thế nào”.

Trong mùa khô, trung bình 1 lò GNTC có thể giải quyết việc làm cho khoảng hơn 15 lao động. Theo đó, hiện trên địa bàn xã Nghĩa Hoàn có hơn 1.000 lao động đang dựa vào nghề làm gạch ngói để kiếm kế sinh nhai. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ngói Cừa cho biết: “Việc xóa bỏ lò GNTC trên địa bàn khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hộ dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn. Hiện tại, HTX có hơn 120 hộ xã viên. Thế nhưng, trong xu hướng cải tiến từ thủ công sang công nghệ mới chỉ có hơn 50 hộ đóng góp vốn để duy trì hoạt động. Nhiều hộ dân đang lâm vào tình trạng nợ nần, khó khăn không theo được nên có nguy cơ bỏ nghề. Hơn 1.000 lao động thủ công có nguy cơ thất nghiệp bởi sắp tới sẽ xóa bỏ các lò GNTC. Hiện tại, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cho phép người dân nơi đây tận dụng nguyên vật liệu còn lại để sản xuất cho đến Tết Nguyên đán 2018 để kiếm nguồn thu nhập phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho những ngày Tết sắp tới”.

Các lò GNTC hằng năm đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, nhưng việc xóa bỏ các lò GNTC để giảm tải ô nhiễm môi trường, chuyển sang công nghệ mới để chất lượng tốt hơn là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các lò gạch thủ công hiện nay đều thuộc sở hữu của những người nông dân có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để xóa bỏ cần có chính sách phù hợp như tư vấn về chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho lao động tại các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Tân Kỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung; đồng thời, cần có những cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp để người dân nơi đây sớm ổn định và phát triển nghề nghiệp bền vững.

Nguyễn Quỳnh

Các tin khác