Kinh tế xã hội

Chú trọng phát triển công nghiệp trở thành 'mũi nhọn' kinh tế

08:11, 09/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp; phát huy nội lực kết hợp với nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện với tốc độ nhanh, bền vững và hiệu quả, góp phần quan trọng đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường.

Phát triển công nghiệp may mặc là một trong những ưu tiên trong thời gian tới
Phát triển công nghiệp may mặc là một trong những ưu tiên trong thời gian tới

Thời gian qua, Nghệ An đã phát huy tối đa thế mạnh để phát triển các mũi nhọn công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như: Sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng; chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm gắn với nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình chuỗi giá trị… Thực hiện tái cơ cấu ngành và chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, đổi mới nâng cấp dây chuyền thiết bị các cơ sở hiện có để nâng cao sức cạnh tranh bền vững phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân.

Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ và tỉ trọng giá trị gia tăng cao, khuyến khích và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, đã phân bố không gian công nghiệp trên địa bàn tỉnh hợp lý, tạo thành các dải tăng trưởng nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Tăng cường thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI; huy động có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp phát triển.

Theo Quyết định 5441 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường ký ban hành, phát triển công nghiệp với mục tiêu tập trung các nguồn lực phát triển nhằm thực hiện mục tiêu sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, có nền tảng kinh tế - văn hóa - xã hội và kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ; đồng thời, phấn đấu tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh tăng từ 32,3% năm 2016 lên 40 - 41% năm 2020 và 47 - 48% vào năm 2025, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng cao, đưa công nghiệp Nghệ An phát triển theo hướng hiện đại, trên cơ sở ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch gắn với phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh như vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, dệt may, điện. Hoàn thành tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu phù hợp với yêu cầu Đề án tái cơ cấu ngành công thương. Giai đoạn 2021 - 2025 phát triển công nghiệp theo chiều sâu phù hợp với xu thế hội nhập và hiện đại. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao đối với các lĩnh vực: Vật liệu mới, dược liệu, cơ khí, năng lượng, điện tử, công nghệ thông tin, hoá chất, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa, công nghiệp hỗ trợ. Tầm nhìn đến năm 2030, phát triển những dự án có tính chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm công nghiệp, xử lý triệt để các vấn đề môi trường đảm bảo phát triển bền vững.

Theo đề án này, nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch và cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp đến năm 2025 khoảng 356.710 tỉ đồng; trong tổng số vốn đầu tư đến năm 2025, vốn huy động từ ngân sách Nhà nước khoảng 20 - 30%. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu xây dựng hạ tầng (các công trình giao thông, cấp điện, cấp nước, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề), một phần vốn dành cho phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ. Nguồn vốn vay trong nước dự kiến cần vay khoảng 15 - 16% tổng số vốn đầu tư cả thời kỳ. Nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và huy động trong dân dự kiến thu hút khoảng 18 - 20%. Vốn FDI dự kiến thu hút khoảng 33 - 34%.

Xuân Thống

Các tin khác