Kinh tế xã hội
Đìu hiu ở bến xe trăm tỉ
(Congannghean.vn)-Bến xe Miền Trung là dự án được đầu tư theo diện thu hút của tỉnh Nghệ An. Đây là dự án được nhà đầu tư bỏ ra số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng để xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại… nhưng hiện tại hoạt động trong cảnh đìu hiu.
Bến xe vắng khách sau nhiều tháng đi vào hoạt động |
Chúng tôi đến Bến xe Miền Trung vào một ngày đầu tháng 1/2018. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cả một cơ ngơi khang trang, hiện đại từ cổng ra vào, bến bãi, nhà chờ... Thế nhưng, điều đáng buồn là bến xe này lại vắng vẻ, khác hẳn với cảnh tượng tấp nập xe cộ ra vào của 2 bến cũ trong lòng TP Vinh.
Qua tìm hiểu được biết, ngày 3/3/2008, tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch HĐQT Vinaceglass đã ký thỏa thuận đầu tư với UBND tỉnh Nghệ An đầu tư 3 dự án, trong đó có tổ hợp các công trình dịch vụ vận tải gồm Bến xe Miền Trung (phía Nam TP Vinh), với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Vinh xứng với đô thị loại I, đưa các hoạt động về dịch vụ vận tải, bến bãi ra ngoài thành phố, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong nội thành, giảm thiểu tai nạn giao thông; đồng thời, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.
Bến xe Miền Trung được xây dựng trên diện tích 30.471 m2, với quy mô phục vụ 800 - 1.000 xe xuất bến/ngày đêm, là một trong những hạng mục công trình thu hút đầu tư với sự ưu đãi đặc biệt của tỉnh Nghệ An, bởi đây là công trình xã hội hóa được áp dụng trong lộ trình phát triển TP Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, khi Bến xe Miền Trung xây dựng xong và đi vào hoạt động thì 2 bến xe trong nội đô TP Vinh vẫn chưa thực hiện di chuyển như quy hoạch ban đầu. Các xe vận tải đều tiếp tục bám trụ ở đây hoạt động bình thường, trong khi bến xe mới lại không có xe!
Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaceglass bức xúc: "Việc nhiều lần gia hạn cho Công ty CP Bến xe Nghệ An, không thực hiện như quy hoạch ban đầu khiến chúng tôi ngày càng thua lỗ. Theo tính toán, mỗi tháng lỗ đến 1,5 tỉ đồng”.
Tại Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, ký ngày 30/5/2011 về việc Ban hành quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, nêu rõ quy hoạch chi tiết hệ thống các bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4868/QĐ.UB.ĐT ngày 20/12/2004 chưa đáp ứng được mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Địa điểm các bến xe khách hiện nay phần lớn nằm tại trung tâm TP Vinh, các thị xã, thị trấn; vị trí một số bến xe không còn phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn cần phải di dời (cụ thể như Bến xe Vinh, Bến xe chợ Vinh...), quy mô bến xe tại một số địa phương chưa tương xứng và chưa đủ tiêu chuẩn để hoạt động trên các tuyến liên tỉnh, nhiều khu vực địa bàn chưa có bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại trên các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh của nhân dân trước mắt và trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, Bến xe Miền Trung là dự án thu hút đầu tư của tỉnh, được nhà đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại, dù đã đi vào hoạt động khá lâu nhưng không có khách hàng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, lãng phí một công trình lớn. Trong khi đó, việc xây dựng, di chuyển bến xe trong nội TP Vinh không thực hiện theo đúng kế hoạch đã gây tâm lý so bì cho các nhà đầu tư mới.
Vinh Thành