Kinh tế xã hội
Thực phẩm an toàn vẫn vướng trong tiêu thụ
09:12, 25/12/2017 (GMT+7)
Cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận.
Ngày 22/12, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Giao thương, kết nối cung-cầu giữa các địa phương, nhà sản xuất với các DN phân phối nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội”.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhận định, thị trường nông sản trong nước những năm qua đã chứng kiến liên tiếp tình trạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc giải cứu liên tiếp nhau như chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi), khủng hoảng thừa thịt lợn lan rộng…
Thực phẩm đường phố chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến thực phẩm an toàn khó có thể cạnh tranh |
“Kết nối cung-cầu, thực phẩm an toàn là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại… Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận”, ông Hồ nói.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng các chương trình giao thương, kết nối cung cầu là giải pháp quan trọng, nhờ sự liên kết chặt chẽ nên có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá, đặc biệt với các sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá”. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phân phối cũng phản ánh, trong quá trình tìm kiếm nguồn cung gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần số lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung-cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
Theo ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Việt, nhiều địa phương trên cả nước có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, song khâu tiêu thụ lại khó khăn. Về nguyên nhân, ông Nam cho rằng, rào cản đầu tiên chính là các đơn vị sản xuất tại địa phương đang thiếu, khó đáp ứng những giấy tờ cần thiết mà yêu cầu, thủ tục đặt ra.
“Muốn đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng hiện đại, sản phẩm phải có đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong quá trình làm việc, khi doanh nghiệp tiếp xúc với các hộ sản xuất, thậm chí có người còn không hiểu phải làm thủ tục, giấy tờ như thế nào nên không thể đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại. Không hẳn mọi sản phẩm đều cần tiêu chuẩn VietGAP. Người sản xuất hiểu khá mông lung về sản phẩm”, ông Nam nói.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng nhấn mạnh, dù có sản phẩm tốt, song tại nhiều đơn vị sản xuất ở các địa phương, khâu tiếp thị rất kém. Hình ảnh sản phẩm được đưa tràn lan, chưa tạo sức hấp dẫn.
Một số ý kiến tại hội nghị bày tỏ mong muốn thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ vào cuộc tích cực hơn trong vấn đề này nhằm hỗ trợ cả đơn vị sản xuất cũng như các doanh nghiệp có thể gặp gỡ nhau. Đặc biệt, cơ quan quản lý ở đây không chỉ ở cấp Trung ương, các bộ mà cần sâu sát đến từng địa phương, cụ thể như Sở NN&PTNT và Sở Công Thương các tỉnh.
Nguồn: Đỗ Hương/Chinhphu.vn