Kinh tế xã hội
Siết chặt công tác quản lý hành nghề y - dược tư nhân
(Congannghean.vn)-Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh và hành nghề y, dược tư nhân đã có những phát triển tích cực, góp phần vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống y, dược tư nhân vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế xuất phát từ khách quan và chủ quan, vì vậy các cấp, ngành liên quan phải quan tâm vào cuộc chấn chỉnh, quản lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nhân viên y tế kiểm tra kho thuốc tại Bạnh viện Đa khoa huyện Anh Sơn |
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến đầu tháng 10/2017 toàn tỉnh có 2.177 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân được cấp giấy phép. Trong đó, hành nghề khám, chữa bệnh có 303 cơ sở gồm 10 bệnh viện, 23 phòng khám đa khoa, 270 phòng khám chuyên khoa và loại hình khác; hành nghề dược có 1.832 cơ sở, gồm 72 công ty và chi nhánh dược, 204 nhà thuốc, 505 quầy thuốc, 1.051 đại lý bán thuốc.
Để hoạt động hành nghề y, dược đảm bảo theo đúng quy định, Sở đã cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho 9.826 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh; cấp 810 giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã và các phòng khám; cấp chứng chỉ hành nghề dược cho 2.641 người và 1.823 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định và tham mưu, ban hành nhiều văn bản về chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở hành nghề vi phạm, cương quyết dẹp bỏ những cơ sở hành nghề không có giấy phép theo quy định. Thông qua đó, đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đối với mỗi tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, có thể đánh giá công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt, mới chủ yếu kiểm tra cơ sở có giấy phép hoạt động; xử phạt vi phạm hành chính còn ít, chủ yếu là nhắc nhở và chưa có biện pháp hữu hiệu để loại bỏ những cơ sở không phép, còn có hiện tượng, địa phương bảo kê cho cơ sở không phép; công tác phối hợp giữa một số ngành trong thanh, kiểm tra tại địa phương chưa đạt kết quả cao; ý thức của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động chưa cao, mang tính đối phó đoàn kiểm tra.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa chú trọng đến công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược trên địa bàn quản lý, còn có tư tưởng xem đây là nhiệm vụ của tỉnh và ngành y tế. Một số địa phương có số lượng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân còn cao như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu.
Cũng theo số liệu từ ngành y tế, từ năm 2015 đến tháng 9/2017, lực lượng chức năng đã kiểm tra 112 cơ sở, xử phạt 32 cơ sở, với số tiền 318,5 triệu đồng; cấp huyện đã kiểm tra 1.919 cơ sở, xử phạt 102 cơ sở, với số tiền trên 374 triệu đồng.
Tại cuộc họp mới đây, bên cạnh làm rõ những kết quả và những tồn tại trong công tác quản lý đối với các lĩnh vực này, các đại biểu đại diện cho lực lượng kiểm tra, quản lý chuyên ngành cũng đã chỉ ra những bất cập chủ yếu trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với từng lĩnh vực. Đó là, cơ sở hành nghề y đang hoạt động vượt quá phạm vi cho phép; thiếu các trang thiết bị cần thiết, không có các biện pháp chống sốc phản vệ và chủ cơ sở không có mặt. Cơ sở hành nghề dược không mở sổ theo dõi thuốc nhập, bán; cơ sở không đủ điều kiện bảo quản thuốc; để thuốc lẫn thực phẩm chức năng; bán thuốc không theo đơn; chủ cơ sở vắng mặt (bản chất là tình trạng cơ sở thuê bằng bác sĩ, dược sĩ còn diễn ra một cách tinh vi).
Vì vậy, để công tác hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả, góp phần lập lại kỷ cương và nhiệm vụ được giao, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân, tại cuộc họp ngày 5/12, UBND tỉnh đã thống nhất với các ngành, lực lượng chức năng tập trung vào những nhiệm vụ chính trong thời gian tới.
Cụ thể, tăng cường hoạt động tuyên truyền về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ngành y tế với các ngành liên quan và UBND các địa phương; nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường giám sát sau kiểm tra, kiên quyết dẹp bỏ những cơ sở hành nghề không có giấy phép.
Bên cạnh đó, đối với ngành y tế đã có kiến nghị, đề xuất phân cấp hoạt động kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh để tránh sự kiểm tra chồng chéo và bỏ sót cơ sở không được kiểm tra. Theo đó, UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện chịu tránh nhiệm kiểm tra trên địa bàn, đó là phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở đại lý thuốc, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, cổ truyền, tủ thuốc tại trạm y tế. UBND huyện, thành, thị phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm cơ sở không phép trên địa bàn; đưa công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân vào tiêu chí đánh giá cuối năm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp huyện.
Trước mắt, trong quý I năm 2018, phải đóng cửa tất cả các cơ sở không phép; không cho phép giãn tiến độ xử lý. Để thực hiện yêu cầu này, nếu cán bộ nào, địa phương nào làm ngơ hay có biểu hiện tiếp tay, nương nhẹ với các hành vi vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm phải chịu xử lý kỷ luật.
Xuân Thống