Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201712/tai-xa-hung-phuc-huyen-hung-nguyen-tinh-nghe-an-tu-cho-chuyen-thanh-trung-tam-thuong-mai-van-bo-hoang-771022/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201712/tai-xa-hung-phuc-huyen-hung-nguyen-tinh-nghe-an-tu-cho-chuyen-thanh-trung-tam-thuong-mai-van-bo-hoang-771022/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Từ chợ chuyển thành Trung tâm thương mại vẫn bỏ hoang - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 10/12/2017, 10:07 [GMT+7]
Tại xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Từ chợ chuyển thành Trung tâm thương mại vẫn bỏ hoang

(Congannghean.vn)-Trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), cuối năm 2015, chợ xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên cũng được gấp rút khởi công khi chưa hoàn thành thủ tục “đấu thầu”. Năm 2016, xã Hưng Phúc về đích NTM, song tiêu chí về chợ được cho nợ. Đến nay, gần hết năm 2017, công trình nói trên vẫn đang bỏ hoang!

Trung tâm thương mại xã Hưng Phúc đang xây dựng dở dang
Trung tâm thương mại xã Hưng Phúc đang xây dựng dở dang

Một ngày cuối tháng 11/2017, chúng tôi có mặt tại dự án xây dựng chợ ở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên. Những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại đây là một công trình đang dở dang, bỏ hoang… Cụ thể, đi từ cổng chính vào, phía bên phải là một căn phòng rộng khoảng 10 m2 đã hoàn thiện xong phần thô nhưng chưa có cửa, nền nhà đang là chỗ chăn nuôi gia súc của người dân. Tiếp đó, đi vào chính giữa là phần đình chợ hiện đã được lợp mái tôn kiên cố nhưng vẫn còn nguyên nền đất. Phía bên phải đình chợ có một dãy khoảng 10 ki-ốt kinh doanh nhưng cũng đang còn dở dang, nhiều ki-ốt chưa có cửa, nền các ki-ốt vẫn còn lổn nhổn đất đá.

Một người dân gần đó cho biết, cuối năm 2015, khi dự án mới triển khai xây dựng rất rầm rộ, công nhân làm việc liên tục, chúng tôi tưởng rằng dự án sẽ hoàn thành sớm, ai ngờ kéo dài đến nay vẫn chưa xong. Thi thoảng nhà thầu làm thêm một vài hạng mục rồi lại dừng, nghe đâu là do chưa có vốn nên nhà thầu không thể làm tiếp, dự án không biết khi nào mới xong?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án xây dựng chợ xã Hưng Phúc thực chất là một công trình nằm trong bộ tiêu chí để xã xây dựng NTM. Công trình này được xây dựng trên phần đất khoảng 2.000 m2, với 1 đình chính và 2 dãy ki-ốt hai bên, mỗi dãy 10 ki-ốt. Công trình này dự toán kinh phí khoảng 20 tỉ đồng từ việc huy động lồng ghép các nguồn vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ, ngân sách xã và huy động từ một số nguồn vốn hợp pháp khác.

Công trình do UBND xã Hưng Phúc làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm tiến hành xây dựng vào cuối năm 2015, chủ đầu tư là UBND xã Hưng Phúc đã gây ra chuyện lùm xùm khi chưa phát hồ sơ mời thầu nhưng đã cho 1 đơn vị thi công. Khi sự việc bị phát giác, nhà thầu đã tiến hành xây dựng xong phần thô đình chợ và 1 dãy ki-ốt bên cạnh. Từ đó đến nay đã bước sang năm thứ 2 nhưng công trình này vẫn đang bị bỏ hoang, chưa biết khi nào mới xong.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc cho biết: Trước đây, chợ nằm trong quy hoạch xây dựng NTM, nhưng sau đó cấp trên về thẩm định lại thì đã thống nhất ý kiến đưa chợ ra khỏi quy hoạch và không cần thực hiện tiêu chí này nữa. Sau đó, từ quy mô chợ được chuyển thành Trung tâm thương mại xã Hưng Phúc.

Về nguyên nhân dự án chậm trễ, theo ông Đề là do nguồn vốn trả cho nhà thầu chưa có. Hiện tại, nhà thầu mới chỉ được tỉnh chuyển cho khoảng 1 tỉ đồng xây dựng, trong khi đó vốn của huyện và xã chưa có đồng nào. Ông Đề cũng cho biết, do năm vừa rồi xã Hưng Phúc không khai thác được quỹ đất nên cũng chưa thể có tiền để trả cho nhà thầu làm tiếp.

Khi chúng tôi hỏi về tính khả quan khi dự án xây dựng xong có hoạt động được không, ông Đề cho biết, nếu xây dựng chợ như trước đây thì để người dân vào thuê ki-ốt buôn bán là khó, vì địa bàn xã ít dân, trong khi hai đầu các xã tiếp giáp đều đã có chợ lâu đời. Do vậy, khi chuyển thành Trung tâm thương mại là để mở rộng hơn đối tượng kinh doanh, có thể cho thuê kho, bãi…

Theo tìm hiểu, ghi nhận của chúng tôi, trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM trước đây, mỗi xã đều xây dựng một chợ riêng làm nơi giao thương, kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có rất nhiều chợ NTM đã xây dựng hoàn thành nhưng không phát huy được hiệu quả, vì không có người tham gia họp chợ hoặc chỉ lèo tèo vài hộ không đáng kể.

.

Đ. Thắng

.