(Congannghean.vn)-Dọc bờ sông Dinh đoạn chảy qua địa bàn xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp hiện đang tồn tại một bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù UBND xã đã cắm biển “Cấm đổ rác” và mức xử phạt đối với người vi phạm, song không mang lại hiệu quả, rác vẫn được người dân vô tư đổ tràn lan.
Rác thải tràn xuống sông Dinh, trôi về hạ nguồn |
Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí bãi rác gây ô nhiễm môi trường ở xã Nghĩa Xuân nằm sát bên phải cầu tràn qua Quốc lộ 48 cũ. Từ lâu, nơi đây đã hình thành một bãi rác tự phát, lâu dần bãi rác đầy thêm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khi trời nắng nóng, nếu ai đi qua đây đều rất khó chịu vì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Còn lúc trời mưa lũ hoặc bãi rác đầy sẽ tràn ra sông Dinh, đủ thứ rác bẩn theo dòng nước chảy về phía hạ nguồn.
Được biết, Nghĩa Xuân là một trong những xã đầu tiên của huyện hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) (UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Bằng công nhận xã NTM từ tháng 8/2015). Tuy nhiên, khi tìm hiểu về bộ tiêu chí đạt chuẩn xã NTM, chúng tôi nhận thấy, tại tiêu chí số 17 quy định về môi trường thì “Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định”. Trong khi đó, hiện xã Nghĩa Xuân chưa có bãi rác tập trung, rác thải đang đổ dồn về bãi rác ở gần cầu tràn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại bãi rác này ghi nhận phản ánh, mặc dù rác cũ đã được bốc đi trước đó nhưng rác mới vẫn đang tồn tại. Cũng như nhiều bãi tập kết rác tự phát khác, rác ở đây đủ loại, từ rác thải xây dựng đến rác thải sinh hoạt, xác động vật chết…. Hiện tại, UBND xã Nghĩa Xuân đã cắm biển “Cấm đổ rác” kèm theo mức xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người vi phạm, song tấm biển chưa phát huy được hiệu quả, người dân vẫn vô tư vứt rác ở đây.
Ông Trương Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm tại cầu tràn sông Dinh thuộc địa bàn xã Nghĩa Xuân là có thật. Toàn xã có 1.983/2.344 hộ dân đã có lò đốt rác trong vườn nhưng chưa có bãi rác tập trung. Hiện, UBND xã đã cắm biển “Cấm đổ rác” và xử lý các trường hợp đổ trộm rác thải. Ông Chính cũng thừa nhận, do huyện chưa có bãi rác thải tập trung nên việc thu gom, xử lý rác ở xã Nghĩa Xuân nói riêng và các xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn.
Qua tìm hiểu được biết, hiện tại, Quỳ Hợp đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, song huyện vẫn chưa có bãi rác thải tập trung. Trước đó, vào tháng 4/2010, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải mới của thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận của huyện Quỳ Hợp. 1 năm sau, dự án được khởi công xây dựng và sau đó gần như “giậm chận tại chỗ”. Tiếp đó, đến tháng 8/2013, dự án được UBND tỉnh điều chỉnh về quy mô tuyến đường giao thông và tổng mức đầu tư tăng từ 36,6 tỉ đồng ban đầu lên 44,3 tỉ đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân cơ bản của việc chậm tiến độ dự án là do công tác giải phóng mặt bằng địa điểm thi công làm bãi rác, liên quan đến đất đai của các hộ dân ở Thung Khẳng, xã Thọ Hợp chưa thống nhất được phương án đền bù.