Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201706/huyen-do-luong-tinh-nghe-an-rac-thai-sinh-hoat-tra-tan-khu-dan-cu-744097/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201706/huyen-do-luong-tinh-nghe-an-rac-thai-sinh-hoat-tra-tan-khu-dan-cu-744097/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Rác thải sinh hoạt 'tra tấn' khu dân cư - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 23/06/2017, 08:42 [GMT+7]
Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An

Rác thải sinh hoạt 'tra tấn' khu dân cư

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đô Lương xuất hiện nhiều điểm tập kết rác thải không được thiết kế và xử lý theo đúng quy định. Rác chất đống nhiều ngày đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân. Trong khi đó, hầu hết lượng rác thải nông thôn không được phân loại và xử lý.

Bãi rác tại xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương chưa được xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường
Bãi rác tại xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương chưa được xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường

Trên Quốc lộ 46 đoạn đi qua xã Lạc Sơn, rác thải đủ loại tấp đống với mùi hôi thối bốc lên. Theo ghi nhận của phóng viên, bãi rác được “quy hoạch” ngay sát mặt đường, bên cạnh là khu đất sản xuất của người dân các xã Lạc Sơn, Xuân Sơn. Rác thải hàng ngày được tập trung về đây với khối lượng rất lớn.

Ông Hoàng Đình Báo, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Sơn cho biết: Đây là bãi rác tạm thời của xã. Vì xã không có đất để xây dựng bãi rác xử lý nên không thể vận chuyển rác lên bãi rác tập trung thường xuyên được. Mỗi tuần đều có xe vận chuyển 3 lần lên bãi rác tập trung của huyện tại xã Hồng Sơn. Mỗi ngày đều có xe thu gom, vận chuyển rác từ trong các xóm ra bãi rác tạm thời rồi chờ xe của hợp tác xã dịch vụ môi trường huyện gom và vận chuyển. Điều đáng nói là bãi rác tạm thời này không chỉ tập kết rác thải sinh hoạt của xã, mà còn xuất hiện những xe rác từ xã khác đến đổ.

Với diện tích mặt bằng chứa quá nhỏ nên rác thải tập kết đổ tràn lan, chất đống thành núi, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, mỗi khi gặp mưa lũ, nước thải từ đống rác chảy xuống cánh đồng, kênh mương đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái nơi đây.

Bên cạnh xã Lạc Sơn, rác thải sinh hoạt của các xã Minh Sơn, Yên Sơn cũng chưa được tập kết xử lý. Các hộ gia đình vẫn tự xử lý rác thải của nhà mình. Cách xử lý được áp dụng nhiều và được coi là thuận lợi nhất với người dân đó là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể như kênh mương, vệ đường hoặc đốt rác. Hành động đó vô tình hình thành những bãi rác nhỏ khắp xóm.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết, theo quy hoạch của huyện thì các loại rác sinh hoạt trong dân cư đều phải chuyển lên bãi rác tập trung ở xã Hồng Sơn, nhưng thời gian qua địa phương chưa làm tốt vấn đề này. Nguyên nhân chính là kinh phí phục vụ cho hoạt động này còn khó khăn. Hiện, xã đang thu của người dân 4.000 đồng/khẩu/tháng nhưng họ cho rằng giá đó cao nên việc thu còn chậm. Do đó, để giải quyết trước mắt, xã phải “hình thành” tự phát bãi rác ở cầu Chợ Hóp, thôn Thọ Minh và Rạng Đình, sau đó hợp đồng với một vài cá nhân xử lý. Tuy nhiên, công doạn xử lý, thu gom còn thủ công nên hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra tình trạng rác tập kết ùn ứ, quá tải, gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Đô Lương cho biết thêm, thực trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác ở các khu dân cư trên địa bàn huyện là có thật. Huyện rất trăn trở và có nhiều động thái để giải quyết trước mắt cũng như lâu dài. Bình quân mỗi ngày, lượng rác  thải đổ ra khá nhiều, trong khi chi phí cho hoạt động này còn ít nên việc di chuyển rác từ các xã về bãi rác tập trung ở xã Hồng Sơn là khá xa. Phía người dân dù đã cố gắng huy động các nguồn đóng góp để chi trả dịch vụ này nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tế là chưa đủ, cần phải thống nhất điều chỉnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, dù huyện đã có bãi rác tập trung nhưng đến nay chưa hoàn thiện về hạ tầng, phân khu thu gom, xử lý do vướng một số hộ dân sinh sống xung quanh thuộc diện di dời. Về lâu dài thì phải quy hoạch bãi rác nằm ở khu vực trung tâm vùng cho các xã bằng phương pháp xử lý đốt chứ không thể theo kiểu chôn lấp.

Trước tình trạng nói trên, chính quyền xã và các cấp cần sớm có những giải pháp khắc phục. Tích cực tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi; khuyến cáo bà con nên tận dụng vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, đối với các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường như túi nilon, các sản phẩm bao bì, nhựa, thủy tinh thì cần phải phân loại.

Chính quyền địa phương cũng cần có những phương án để xây dựng quy hoạch bãi tập kết rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm kéo dài và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mất mỹ quan chung tại các vùng nông thôn.

.

Xuân Thống - Lô Anh

.