(Congannghean.vn)-Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2011, trạm bơm thủy lợi tại xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã bị cán bộ và nhân dân trên địa bàn phản ánh vận hành không hiệu quả, thậm chí còn thua cả trạm bơm cũ.
Lượng nước bơm lên quá yếu so với mục đích ban đầu của Dự án |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp trạm bơm Hưng Xuân thuộc Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1704/QĐ.UBND-NN ngày 27/4/2009 và phê duyệt điều chỉnh tổng mức tại Quyết định số 5459/QĐ.UBND ngày 10/11/2010. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án ngành NN&PTNT được giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện Dự án.
Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 34 tỉ đồng (giá trị xây lắp gần 27 tỉ đồng); trong đó, trạm bơm hơn 5,4 tỉ đồng; trạm biến thế gần 900 triệu đồng; hệ thống kênh và công trình kênh hơn 17,6 tỉ đồng; cầu giao thông và đường gần 3 tỉ đồng… Theo thiết kế, trạm bơm có 4 máy bơm chìm, lưu lượng thiết kế mỗi máy QTK = 760 m3/h; đường ống dẫn nước chính D700 có chiều dài gần 1,3 km, chôn dưới mặt đất gần 40 cm. Dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân sách Nhà nước.
Công trình do Liên danh Công ty cổ phần xây dựng Thủy lợi 3 Nghệ An và Công ty CPXD Thương mại Mạnh Sang trúng thầu thi công; Dự án được khởi công cuối năm 2009 và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2011. Mục tiêu của Dự án là sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ khắc phục được việc thiếu hụt nguồn nước tưới, đảm bảo ổn định nước tưới cho 490 ha đất lúa của 4 xã: Hưng Xuân, Hưng Thông, Hưng Lam và Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên.
Tuy nhiên, lâu nay cử tri xã Hưng Xuân liên tục có ý kiến phản ánh về việc trạm bơm mới xây dựng không phát huy hiệu quả như mục tiêu Dự án đề ra. Cụ thể, lượng nước bơm lên yếu hơn rất nhiều so với thiết kế; đường ống dẫn nước chôn dưới đất liên tục bị vỡ…
Trao đổi sự việc trên với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri hội đồng, người dân liên tục phản ánh vấn đề này, bởi hoạt động của trạm bơm nước từ khi đưa vào sử dụng đến nay không phát huy được hiệu quả như mục tiêu Dự án đề ra. Theo ông Phận, việc thiếu nước sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất của người dân cũng như sự phát triển của cây trồng.
Do vậy, sau khi được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam quản lý, để khắc phục những bất cập trên, đơn vị này đã phải lắp thêm máy để vận hành trạm bơm cũ, hoạt động song song với trạm bơm mới. Ông Nguyễn Văn Phận cho biết thêm: Trạm bơm mới được thiết kế xây dựng để có thể lấy nước, bơm nước thường xuyên, tuy nhiên do hoạt động kém hiệu quả nên phía Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam phải giữ lại trạm bơm cũ hoạt động. Thế nhưng, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và việc ngăn nước của các công trình thủy điện nên mực nước sông Lam xuống thấp, trạm bơm cũ cũng chỉ hoạt động được khi nước thủy triều lên, mỗi ngày chỉ bơm được từ 6 - 7 tiếng đồng hồ mà thôi.
Về phía đơn vị chủ đầu tư, ông Nguyễn Hào, Phó ban quản lý dự án ngành nông nghiệp, Sở NN&PTNT khẳng định: Công trình được thiết kế, giám sát chặt chẽ của Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát cộng đồng của xã. Do đó, công trình thi công đảm bảo đúng tiến độ, đạt yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật. Trước khi bàn giao đưa vào sử dụng, Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành nghiệm thu, vận hành chạy thử theo đúng quy trình, quy phạm; các thông số kỹ thuật của trạm bơm, hệ thống kênh hoạt động tốt, đạt yêu cầu thiết kế.
Lý giải về việc vỡ đường ống dẫn vào kênh chính, ông Hào cho rằng, công trình đã sử dụng lâu nên chịu tác động của môi trường, hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, do đường ống chôn chỉ cách mặt đất 40 cm nên đoạn ống qua bãi quặng (bãi tập kết quặng - P.V) bị đè nặng nên gây vỡ ống!