Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201706/tai-huyen-tuong-duong-tinh-nghe-an-doanh-nghiep-duoc-cap-phep-khai-thac-vang-15-nam-noi-lo-hien-huu-745034/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201706/tai-huyen-tuong-duong-tinh-nghe-an-doanh-nghiep-duoc-cap-phep-khai-thac-vang-15-nam-noi-lo-hien-huu-745034/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng 15 năm: Nỗi lo hiện hữu! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 29/06/2017, 08:52 [GMT+7]
Tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng 15 năm: Nỗi lo hiện hữu!

(Congannghean.vn)-Từng là “tâm điểm” của khai thác vàng sa khoáng, sau một thời gian nỗ lực, huyện Tương Dương mới lập lại được trật tự trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không chỉ chính quyền mà người dân hết sức hoang mang, lo lắng khi thông tin về một doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép khai thác trong thời gian 15 năm tại chính “điểm nóng” về khai thác vàng của những năm trước đây.

Doanh nghiệp được cấp phép, cả huyện lo lắng

Theo đó, Bộ TN&MT vừa ký Quyết định cấp phép cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô, có địa chỉ tại tổ 14, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được phép thăm dò, khai thác vàng bằng phương pháp hầm lò trên đỉnh Pu Phen, thuộc địa phận các xã Yên Na và Yên Tĩnh, huyện Tương Dương trong thời hạn 15 năm, với diện tích 127 ha, có hiệu lực từ ngày 19/1/2017. Theo quyết định này, khảo sát trữ lượng vàng khai thác trong 15 năm là khoảng 80 kg, tương đương giá trị trường theo thời điểm hiện tại là 62,4 tỉ đồng.

Điều đáng lưu tâm là trước đó, vào năm 2008, cũng chính Công ty này, trong quá trình thăm dò, khai thác vàng sa khoáng tại vị trí này đã bị hàng trăm người dân thuộc bản Cành Tong, xã Yên Tĩnh kéo lên đỉnh Pu Phen gây ẩu đả, xô xát và vụ việc sau đó cơ quan chức năng cũng như lực lượng Công an đã phải vào cuộc để xử lý.

Ông Lương Đại Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: Tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép trong thời gian qua đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho chính quyền lẫn người dân địa phương. Không chỉ người dân mất đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự mà thậm chí một số cán bộ xã đã phải vướng lao lý vì buông lỏng quản lý. Do đó, vài năm gần đây, khi tình trạng này được lập lại trật tự, người dân yên tâm sản xuất thì nay bất ngờ lại có công ty được cấp phép khai thác vàng trở lại. Điều này khiến cho nhân dân hết sức bất an, lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Kha Văn Ót cho biết, đến thời điểm hiện nay, ngoài tờ cấp phép bản phôtô do doanh nghiệp chuyển đến thì UBND huyện Tương Dương chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo nào của tỉnh, cũng chưa có quyết định kiểm đếm, thu hồi đất, giao đất, phương án khai thác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của huyện Tương Dương là đề nghị UBND tỉnh không tiếp nhận việc khai thác vàng nữa, để đất rừng cho nhân dân sản xuất.

Ông Phạm Trọng Hoàng, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cũng cho rằng, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều thời gian để lập lại trật tự trong việc chấn chỉnh tình trạng khai thác vàng sa khoáng. Về cơ bản, đến thời điểm này, tệ nạn này đã được dẹp bỏ.

“Nếu bây giờ cho khai thác vàng trở lại thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân không khai thác vàng trái phép nữa. Chúng tôi quan ngại nếu một doanh nghiệp vào khai thác vàng thì nạn khai thác vàng trái phép trong nhân dân sẽ tái diễn trở lại và sẽ rất khó xử lý”, ông Hoàng cho biết.

Một con tàu đang khai thác vàng sa khoáng gây biến đổi dòng chảy trên sông Lam đoạn qua huyện Tương Dương
Một con tàu đang khai thác vàng sa khoáng gây biến đổi dòng chảy trên sông Lam đoạn qua huyện Tương Dương

Hệ lụy từ vàng

Được biết, Tương Dương từng được ví là “thiên đường vàng” bởi có rất nhiều vàng sa khoáng. Hàng trăm người dân tứ xứ đổ về đây để mong tìm được vận may, kéo theo những hệ lụy khủng khiếp. Chỉ trong thời gian từ năm 2008 - 2013, ở Tương Dương đã xảy ra nhiều vụ sập đất, sập núi làm chết nhiều người do khai thác vàng trái phép. Trong đó, năm 2011 chết 5 người ở bản Đình Hương, xã Tam Đình; năm 2012 chết 3 người và bị thương 7 người ở xã Nga My.

Cùng với đó, nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, các loại tệ nạn như ma túy, mại dâm, trộm cắp, cố ý gây thương tích cũng nảy sinh. Khai thác vàng cũng khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn có lúc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Để chấn chỉnh tình trạng này, huyện Tương Dương đã có nhiều biện pháp mạnh tay nhằm lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản. Cùng với việc chấm dứt cấp phép, gia hạn đối với hàng loạt công ty từ tháng 7/2011, tình trạng khai thác vàng trái phép cũng được phát hiện và chấn chỉnh thường xuyên.

Mới đây nhất, cũng trên địa bàn xã Hữu Khuông, khi phát hiện tái diễn tình trạng các đối tượng khai thác vàng tiến hành đào hầm xuyên sâu xuống lòng đất để khai thác vàng trái phép, huyện Tương Dương đã huy động hơn 50 người, bao gồm các lực lượng Quân sự, Công an, dân quân tự vệ và sử dụng 400 kg thuốc nổ để phá hủy, đánh sập 12 hầm vàng hoạt động trái phép.

.

Thiện Thành

.