Kinh tế xã hội

Mô hình giống ngô ngọt tại Nghệ An: Chất lượng giống đã đảm bảo?

10:00, 11/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau thời gian chăm sóc, đến thời điểm sát ngày thu hoạch, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) “phát hoảng” khi nhiều diện tích ngô họ nhận trồng, chăm sóc từ mô hình của huyện xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ về giống.

Trước ngày thu hoạch, nhiều diện tích ngô ngọt có biểu hiện không cho hạt và bị sâu bệnh
Trước ngày thu hoạch, nhiều diện tích ngô ngọt có biểu hiện không cho hạt và bị sâu bệnh

Vào cuối tháng 5, trên cánh đồng của xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, nhiều diện tích ngô được trồng theo chủ trương của huyện, xã đã chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, khi kiểm tra đồng ngô, một số hộ dân đã bất ngờ khi nhiều diện tích của gia đình mình trồng có nhiều biểu hiện bất thường. Đó là số cây ngô trưởng thành sắp thu hoạch khi bóc vỏ ra toàn bắp trắng nõn không có hạt; số bắp cho hạt thì biểu hiện bị mốc, nấm…

Qua tìm hiểu tại địa phương được biết, giống ngô ngọt được xã Thanh Nho đưa vào trồng vụ xuân đầu tiên trên diện tích gần 11 ha tại các xóm 1A, 1B, 2, 3, 4, 5 và xóm 6. Giống ngô này được Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao có trụ sở đóng tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hợp đồng với UBND xã Thanh Nho triển khai mô hình trồng giống ngô ngọt xuất khẩu.

Trước phản ánh của người dân về chất lượng ngô được trồng trên địa bàn, trao đổi với Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương, ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng tỏ ra bất ngờ: “Huyện và phòng chuyên môn chưa nhận được bất cứ phản ánh nào từ xã. Để tôi gọi điện lại xác minh ở xã xem thế nào”. Sau khi tìm hiểu qua xã Thanh Nho, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện cho biết thêm: “Đúng là có sự việc như phản ánh, nhưng cụ thể thì chỉ một số hộ dân bị ảnh hưởng và trên diện tích rất ít. Cụ thể là hộ Đặng Thị Sâm và Trần Đình Kỷ ở xóm 3, xã Thanh Nho”.

Liên quan đến nguồn gốc giống trước khi đem trồng tại huyện, khi được hỏi, ông Hùng thừa nhận là “tất cả do phía Công ty Đồng Giao ủy quyền đại diện cho một người có hộ khẩu tại huyện Thanh Chương xuống trực tiếp ký kết với hộ nông dân”.

Liên hệ trực tiếp với bà Nguyễn Thị Ngọc Mai theo giấy ủy quyền cấp ngày 21/12/2016 của Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, được  người này cho hay: “Chúng tôi có nắm được sự việc trên nhưng chưa thấy người dân phản ánh. Có chăng thì cũng ảnh hưởng diện tích nhỏ, tính ra không bằng hiệu quả dự án này mang lại”.

Theo nội dung ủy quyền của Giám đốc Đinh Cao Khuê đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Mai có giá trị đến ngày 31/12/2017 ghi: "Được liên hệ với các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An để mở rộng vùng nguyên liệu, triển khai trồng các cây phục vụ cho chế biến xuất khẩu của Công ty Đồng Giao”. Do đó, khi phóng viên phản ánh về những gì đang xảy ra đối với hộ trồng ngô ngọt ở xã Thanh Nho, bà Mai cho biết, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với xã, xóm để theo dõi quá trình chăm sóc, sinh trưởng của cây ngô. Còn phản ánh của người dân thì chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể số hộ, diện tích sau đó thực hiện theo cam kết giữa hai bên đã ký kết trước khi trồng.

Khi được hỏi, giống ngô ngọt đang được triển khai tại huyện Thanh Chương (giống Hi-brix53, nguồn giống Thái Lan - P.V) đưa vào tỉnh trồng đã được cơ quan nào kiểm nghiệm, phân tích và đồng ý đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện hay chưa?, bà Mai trả lời: Đây là giống ngô dùng để xuất khẩu có thời gian sinh trưởng từ 85 - 90 ngày, được nhiều địa phương hợp đồng trồng với khối lượng lớn (hiện tại huyện Quỳnh Lưu đang trồng). Chúng tôi mua toàn bộ từ thân cây đến bắp, nếu so sánh giá trị kinh tế sẽ hơn các loại giống ngô khác nên nhiều hộ dân ủng hộ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, đúng là có việc một công ty nào đó phối hợp với huyện để đưa giống ngô ngọt vào trồng vụ xuân tại xã Thanh Nho với diện tích khoảng 11 ha. Việc người dân phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và xã Thanh Nho kiểm tra và báo cáo. Tuy nhiên, vấn đề loài cây này khi đưa vào trồng tại địa bàn huyện đang mang tính thử nghiệm mà trồng với diện tích lớn như vậy cần được đánh giá về quy mô, điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng... trước khi nhân rộng.

Cái quan trọng là phải xem giống ngô này có phải là giống cây trồng quốc gia hay không, cũng như việc xã Thanh Nho đồng ý cho công ty vào trồng loại cây này có nằm trong đề án phát triển cây ngắn ngày của huyện hay không. Nếu không nằm trong đề án của huyện thì cần phải làm rõ các bên, từ Phòng Nông nghiệp, Trạm Bảo vệ thực vật - trồng trọt huyện, phía xã cũng như phía doanh nghiệp.

Quan điểm của huyện là không để người dân bị thiệt thòi, còn số diện tích bị hư hại do bắp không cho hạt hay bị sâu bệnh thì phía công ty phải thực hiện theo đúng cam kết trước khi gieo trồng. Bởi theo hợp đồng của Công ty với UBND xã thì Công ty sẽ cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Sau khi thu thoạch ngô sẽ trừ tiền giống vào sản phẩm.

Xuân Thống - Lô Anh

Các tin khác