Kinh tế xã hội

Nước mắt người giữ rừng!

10:45, 07/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù đang giữ trong tay Sổ lâm bạ gốc, thể hiện quyền được giao đất sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, thế nhưng hơn 20 năm trồng rừng, giữ rừng, đến nay ông Đặng Quang Cần (SN 1956) trú tại xóm 1, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn chưa thể khai thác, hưởng lợi những thành quả mà gia đình đã bỏ ra mấy chục năm qua. Nguyên nhân là đất rừng của gia đình ông hiện nay đang bị một số hộ dân cùng xóm tranh chấp quyền đồng sở hữu.

Do bị tranh chấp nên nhiều cây tràm hơn 20 năm tuổi trong khu rừng của ông Cần đến thời kỳ khai thác nhưng vẫn phải “yên vị”
Do bị tranh chấp nên nhiều cây tràm hơn 20 năm tuổi trong khu rừng của ông Cần đến thời kỳ khai thác nhưng vẫn phải “yên vị”

Ông Cần nhớ lại: Năm 1992, gia đình tôi bắt đầu làm đơn xin giao đất rừng. Đến ngày 7/12/1994, gia đình được cấp Sổ lâm bạ, diện tích rừng trong sổ là 6,2 héc ta. Sau đó, thực hiện chủ trương của Nhà nước về “Phủ xanh đồi núi trọc”, ban đầu gia đình thực hiện theo Dự án PAM 4304, tiếp đó là Dự án 327, trồng cây xanh (chủ yếu là keo) trên diện tích đất rừng đã được cấp. Thời điểm đó, gia đình ông tự đi mua giống và thuê người trồng cây, mỗi người được trả công 10.000 đồng/ngày. Mấy năm sau, gia đình ông còn được nhận tiền “Bảo vệ rừng” theo quy định của Nhà nước.

Năm 2011, sau trận bão lớn đổ bộ qua địa bàn xã Diễn Phú, hàng loạt cây keo, cây thông trong khu rừng của ông Cần bị gãy đổ. Lúc này, nhiều người dân trong xóm kéo nhau vào chặt cây, sự việc tranh chấp bắt đầu từ đây. Theo như lời ông Cần thì một số hộ gia đình trong xóm cho rằng, họ cũng đã tham gia trồng, bảo vệ khu rừng trong Sổ lâm bạ của ông, do đó khi thu hoạch họ cũng phải được hưởng lợi từ rừng.

Từ phản ánh của ông Đặng Quang Cần, phóng viên đã tiến hành xác minh sự việc. Qua thu thập các hồ sơ liên quan, chúng tôi thấy rằng, hiện gia đình ông Cần đang nắm giữ Sổ lâm bạ số 167, cấp ngày 7/12/1994, về việc quyết định giao đất sản xuất kinh doanh lâm nghiệp; diện tích rừng trong lâm bạ này là 6,2 héc ta. Lâm bạ được cấp dựa trên Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp; đồng thời, căn cứ trên Đơn xin giao rừng của hộ gia đình, ý kiến của UBND xã Diễn Phú và sự nhất trí của Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu.

Ngoài ra, ông Cần còn lưu giữ Hợp đồng kinh tế bảo vệ rừng (thuộc Dự án “Trồng mới 5 triệu héc ta rừng” năm 1999), do ông Nguyễn Đình Nhậm, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu ký.

Sổ lâm bạ số 167 được cấp cho ông Cần ngày 7/12/1994
Sổ lâm bạ số 167 được cấp cho ông Cần ngày 7/12/1994

Trao đổi sự việc này, ông Cao Viết Thái, Chủ tịch UBND xã Diễn Phú cho biết: Thời điểm 1992, 1993, 1994…, việc giao đất rừng ở Diễn Châu thực hiện cấp Lâm bạ cho cộng đồng, nghĩa là trong các tổ cử 1 người đứng ra làm Lâm bạ chung cho cả tổ. Theo đó, tại xóm 1, xã Diễn Phú có 4 tổ, được cấp 4 Lâm bạ, trong đó có Lâm bạ của ông Đặng Quang Cần ở xóm 1, thuộc Tổ 3 (hiện tổ này có hơn 20 hộ gia đình cùng xóm với ông Cần, trong đó có cả gia đình ông Thái - P.V).

Tuy nhiên, khi được hỏi có bằng chứng nào để chứng minh các hộ gia đình trên tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ khu rừng trong sổ Lâm bạ của ông Đặng Quang Cần hay không? Ông Thái cho biết, hiện các hộ không có bằng chứng nào cả. Ông Thái nói, chính tôi làm Xóm trưởng xóm 1 nhiều năm nên việc này tôi biết rõ… Sau khi trao đổi, ông Thái dẫn phóng viên xuống gặp cán bộ địa chính xã Diễn Phú để tìm tài liệu liên quan đến việc cấp Lâm bạ của ông Đặng Quang Cần, song không có kết quả!

Về phía Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu, qua tìm hiểu tại đây, người đứng đầu đơn vị này nói rằng, do hồ sơ liên quan đến thời điểm cấp Lâm bạ đã quá lâu, trong khi đó Hạt trưởng mới về cơ quan này nên phải xem xét, tìm hiểu lại, sau đó sẽ thông tin cho phóng viên. Tuy nhiên, đến thời điểm chúng tôi viết bài này vẫn chưa thấy Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cung cấp các thông tin liên quan.

Căn cứ vào các hồ sơ chúng tôi thu thập được, cũng như đối chiếu với các thông tin từ chính quyền địa phương xã Diễn Phú thì việc ông Đặng Quang Cần khẳng định quyền sở hữu khu đất rừng trên là của gia đình ông là có cơ sở. Bởi, hiện tại Sổ lâm bạ và Hợp đồng kinh tế bảo vệ rừng của gia đình ông Cần không có dòng nào thể hiện đây là Lâm bạ, Hợp đồng chung của cộng đồng. Do vậy, nếu các hộ gia đình đang tranh chấp với ông Cần không có các bằng chứng pháp lý chứng minh được quyền lợi liên quan thì các cơ quan chức năng cần phân định “trắng, đen” rõ ràng. Không thể để quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Đặng Quang Cần bị ảnh hưởng. Mặt khác, cần giải quyết sớm vụ này để tránh đơn thư, kiện tụng kéo dài!

Đức Thắng

Các tin khác