Kinh tế xã hội
Cần siết chặt việc thực hiện các quy định của nhà nước về sản xuất và kinh doanh rượu
Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, đặc biệt là tình trạng sản xuất rượu theo mô hình tư nhân kém chất lượng dẫn đến việc nhiều người tử vong trong thời gian gần đây.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến – tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội trường- Ảnh: Đình Nam |
Bày tỏ băn khoăn về vấn đề kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến – tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay tình trạng kinh doanh thực phẩm không an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra phổ biến, tràn lan, nguồn thực phẩm khi đưa ra tiêu thụ chưa được kiểm soát triệt để về chất lượng, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng và đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân.
Đại biểu nhấn mạnh, tình hình sản xuất đồ uống kém chất lượng, đồ uống giả, trong đó có tình trạng sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế rượu vẫn xảy ra và gây hậu quả rất nghiêm trọng. Rượu pha chế từ cồn công nghiệp đã gây hàng loạt các ca ngộ độc methanol.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì trong 4 tháng đầu năm 2017 đã có 38 ca ngộ độc rượu, trong đó có 11 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 28,9%, số còn sống có tổn thương não là 12 ca, chiếm 31,6%, hôn mê kéo dài 1 ca, mù vĩnh viễn 1 ca. 94,12% số ca ngộ độc rượu là do sử dụng rượu không nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điển hình là vụ ngộ độc tại Lai Châu vào tháng 2 năm nay, số nạn nhân là 21 người và tử vong 10 người, chiếm tỷ lệ trên 47%, trong đó có 8 người đã tử vong trước khi tới bệnh viện và khi kiểm tra thì rượu chứa nồng độ cồn công nghiệp methanol lên đến 50%.
Theo đại biểu, những thiệt hại khi không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra rất nhiều hậu quả tới sức khỏe với các mức độ khác nhau, từ gây ra các bệnh ngộ độc cấp tính đến bệnh mãn tính, tử vong. Trung bình mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới do căn bệnh ung thư, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ sử dụng thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Do đó, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần phải chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương phải xây dựng một mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, từ khâu nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh đến khâu tiêu thụ. Đại biểu đề nghị Bộ Công thương phải quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt loại cồn công nghiệp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh – tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ bổ sung, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm nghiệm thực phẩm đầy đủ hơn. Đồng thời, Quốc hội cần sớm ban hành Luật kiểm soát tác hại, lạm dụng rượu, bia cũng như các loại nước có ga.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh – tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội trường |
Đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ rõ khâu tổ chức quản lý còn yếu, chưa kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Theo Báo cáo của Hiệp hội rượu bia và nước giải khát Việt Nam, sản lượng rượu do các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu dân tự nấu, tự pha chế lên đến 200 triệu lít, gấp gần 3 lần so với rượu công nghiệp. Gần đây, liên tiếp nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra ở nhiều nơi với quy mô lớn làm cho nhiều người chết. Điều này cho thấy khâu quản lý, sản xuất, kinh doanh quá lỏng lẻo, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm nghiệm các thực phẩm chưa đủ.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh – Thành phố Hà Nội cũng cho biết, theo báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về việc quản lý rượu, bia và nước giải khát ở các cơ sở sản xuất có quy mô công nghiệp, Bộ Công thương đã cấp 100% giấy chứng nhận cho các cơ sở này công nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Về cơ bản, các cơ sở này đều tuân thủ theo yêu cầu an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu theo kiểu truyền thống, rượu lậu, rượu giả và nước giải khát sản xuất theo mô hình tư nhân đang tràn ngập trên thị trường, len lỏi trong các xóm làng từ miền ngược đến miền xuôi, có nơi đã đến mức báo động có giới hạn đỏ, nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình trạng này.
Rượu kém chất lượng luôn là mối quan tâm lo ngại của nhiều người tiêu dùng. Thời gian vừa qua đã xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong, hôn mê sâu do rượu. Cụ thể như, tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong hơn 3 tháng qua đã ghi nhận 34 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Tại Lai Châu gần đây đã xảy ra vụ ngộ độc rượu methanol với hàng chục người nhập viện và 10 trường hợp đã tử vong.
Theo đại biểu, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy hơn 70 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và chỉ trong đầu tháng 5 năm 2017 vừa qua Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 20 nghìn lít rượu thủ công không rõ xuất xứ, trong số này có gần 600 chai rượu ngoại của nhiều thương hiệu lớn với giá trị trên thị trường.
Thực tế theo thống kê của Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế, hậu quả nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn, nguy hiểm hơn điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không kiểm soát được về mặt chất lượng đang trôi nổi trên thị trường. Hệ lụy của vấn đề này không chỉ là những ca ngộ độc cấp tính nghiêm trọng xảy ra liên tục gần đây mà còn để lại những hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ và sức khỏe của người dân Việt Nam.
Vì thế các cử tri có ý kiến yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc, chấn chỉnh lại việc quản lý, siết chặt việc thực hiện các quy định của nhà nước về sản xuất và kinh doanh rượu; tăng chế tài xử phạt với các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng và điều quan trọng việc quản lý nghiêm ngặt này phải được duy trì trong một thời gian dài chứ không phải chỉ là phong trào.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu, cử tri mong muốn đề nghị Quốc hội sửa Luật an toàn thực phẩm, nâng mức xử phạt và truy tố hình sự đối với đối tượng kinh doanh rượu gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội