Kinh tế xã hội

Mở rộng cửa cho doanh nghiệp đầu tư theo hướng đối tác công - tư

08:52, 02/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An đã có nhiều giải pháp cải cách chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, địa phương đã mở rộng cửa cho doanh nghiệp tích cực đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị hiện đại theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (gọi tắt là PPP). Thế nhưng, để hình thức đầu tư này nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp thì Nghệ An cần có nhiều giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.

Khu đô thị Cửa Tiền - Vinh Tân, một trong những công trình thu hút đầu tư theo hình thức BT đang được triển khai trong thời gian qua
Khu đô thị Cửa Tiền - Vinh Tân, một trong những công trình thu hút đầu tư theo hình thức BT đang được triển khai trong thời gian qua

Đa dạng các loại hình đầu tư

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Nghệ An thì từ năm 2007, địa phương đã bắt đầu đón nhận các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư theo hình thức PPP. Cùng với đó, theo hồ sơ đăng ký thì đến năm 2020, Nghệ An sẽ có 98 dự án đầu tư theo hình thức này với số vốn lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Có nghĩa là, triển khai dự án theo hình thức PPP thì doanh nghiệp dự án sẽ tiến hành thủ tục ký kết hợp tác với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi ký kết, doanh nghiệp sẽ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng, quản lý công trình mà mình đã thi công để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư theo hình thức PPP sẽ có 3 dạng: Đầu tư theo hình  thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao); đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); đầu thư theo hình thức BOO (hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Qua thống kê thực tế trên địa bàn Nghệ An cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn quan tâm đầu tư theo hình thức BT hơn.

Với hình thức đầu tư này, doanh nghiệp sẽ bỏ vốn xây dựng một công trình phúc lợi cho nhân dân sử dụng và đồng nghĩa với việc địa phương phải bố trí một quỹ đất hợp lý cho nhà đầu tư sở hữu, sử dụng vào mục đích kinh doanh theo kiểu “đổi đất lấy công trình”.

Bằng chứng là nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT đã được triển khai và đi vào hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử như dự án xây dựng cầu Cửa Tiền II do Công ty CP Danatol đầu tư thi công có chiều dài 40 m, rộng 15,25 m. Đây là cây cầu có kết cấu bê tông cốt thép vòm bản mỏng theo công nghệ Singapore - công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Nghệ An. Đổi lại, địa phương này đã “ưu tiên”, bố trí một phần quỹ đất ở phường Vinh Tân để doanh nghiệp này tiến hành đầu tư xây dựng khu đô thị mới Cửa Tiền - Vinh Tân với quy mô hàng chục héc ta…

Cũng theo thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An thì từ năm 2007 đến nay, địa phương đã đón nhận, thực hiện lễ ký kết hợp tác đầu tư theo hình thức PPP gồm 29 dự án với tổng số vốn lên tới 10.007 tỉ đồng. Điều đáng nói là, trong tổng số 29 dự án PPP thì đã có tới 26 dự án được doanh nghiệp lựa chọn đầu tư theo hình thức BT.

Đăng ký nhanh, triển khai chậm

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua đã được tỉnh Nghệ An triển khai rộng rãi. Cùng với đó, các chính sách cũng được địa phương nới rộng để doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận lợi.

Đặc biệt, Nghệ An cũng đã phối hợp với Bộ KH&ĐT triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn các quy định về Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sau khi nắm bắt chủ trương này đã “nhanh tay” đăng ký tham gia đầu tư vào các dự án ở TP Vinh cũng như các thị xã lân cận của tỉnh Nghệ An.

Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có 29 dự án đăng ký đầu tư xây dựng theo hình thức PPP trên địa bàn nhưng mới chỉ có 7 dự án bắt tay vào thực hiện. Trong số 7 dự án này thì chỉ có 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT, còn lại là dự án được doanh nghiệp triển khai xây dựng theo hình thức BT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng mặn mà với việc đầu tư dự án BT, với tâm lý bỏ một nguồn vốn nhất định thì đổi lại là phải được làm chủ một quỹ đất cố định. Chính vì vậy, trong tổng số gần 100 dự án đăng ký đầu tư theo hình thức PPP hiện nay trên địa bàn Nghệ An, có tới 68 dự án đầu tư theo hình thức BT.

Mặt khác, một thực tế hiện nay là sau khi có chủ trương hợp đồng đối tác công tư, các doanh nghiệp đã mạnh dạn xin chủ trương đăng ký đầu tư vào Nghệ An rất lớn. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT được doanh nghiệp quan tâm, đăng ký trên địa bàn thành phố. Đây cũng là chủ trương chung của tỉnh về thu hút, xúc tiến đầu tư trong thời gian qua nhằm giảm áp lực cho ngành ngân hàng trong gánh nặng giải ngân đầu tư công. Thế nhưng, tiến độ thực hiện các dự án theo hình thức PPP trên địa bàn Nghệ An triển khai rất chậm.

Vì vậy, để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP có hiệu quả thì công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ hơn nữa. Tâm lý “vừa làm, vừa nghe ngóng” của doanh nghiệp cũng cần tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tích cực đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, dân sinh. Riêng các địa phương cần “bắt tay” với doanh nghiệp hơn nữa trong việc hướng dẫn chính sách, công tác giải phóng mặt bằng nhằm giúp họ có thêm cơ hội đầu tư trên địa bàn mình quản lý.  

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nhằm thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, để địa phương thực hiện tốt công tác này thì việc bổ sung những điều khoản, quy định sát với thực tế là điều cần thiết.

Ngọc Thái

Các tin khác