Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201705/thuc-hien-sap-nhap-so-nganh-va-tu-chu-tai-chinh-nhung-nut-that-can-thao-go-735682/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201705/thuc-hien-sap-nhap-so-nganh-va-tu-chu-tai-chinh-nhung-nut-that-can-thao-go-735682/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những 'nút thắt' cần tháo gỡ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 04/05/2017, 08:28 [GMT+7]
Thực hiện sáp nhập sở, ngành và tự chủ tài chính

Những 'nút thắt' cần tháo gỡ

(Congannghean.vn)-Trong điều kiện bộ máy Nhà nước đang khá cồng kềnh và trì trệ, thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm xây dựng cơ quan hành chính “của Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố và lộ trình cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý và dư luận xã hội.

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Hợp nhất sở, ngành: Chưa phù hợp

Theo dự thảo, trong số các sở hiện nay sẽ có hai sự hợp nhất mới gồm Sở Tài chính hợp nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài Chính; Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải hợp nhất thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị, ở 2 địa phương lớn TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội lấy tên gọi Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Ngoài ra, có 3 sở đang thuộc diện phải có ở các địa phương sẽ được đưa vào danh sách có thể thành lập hoặc không thành lập tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin Truyền thông.

Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 8, Nghị định 24 dự thảo, quy định hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính. Về vấn đề này có  thể thấy, trong nhiều năm qua, các lĩnh vực của 2 ngành được 2 sở tổ chức, triển khai trong công tác tham mưu cho tỉnh đã hoạt động rất hiệu quả, phát huy tốt vai trò quản lý Nhà nước trên 2 lĩnh vực; đồng thời đã có những đóng góp nhất định từ công tác phối hợp và kiểm soát lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Vì vậy, trước chủ trương chung này, khi đưa ra lấy ý kiến, lãnh đạo 2 ngành đều cho rằng, hiện tại, 2 sở đều là những sở có quy mô lớn, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền đều độc lập và khác nhau, nhiệm vụ không trùng lặp và không có tính tương đồng, do đó chủ trương sáp nhập là chưa phù hợp mà cần nghiên cứu, điều tra, khảo sát một cách kỹ lưỡng, đầy đủ.

Cũng ở Điều 8, tại Điểm a, Khoản 5 của Dự thảo quy định hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị. Về nội dung trên, đại diện 2 ngành đều cho rằng, đây là những ngành có quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều, nhiệm vụ, quyền hạn không có sự tương đồng mà cơ bản độc lập, do đó việc hợp nhất theo chủ trương trên sẽ tạo ra khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Việc giữ nguyên hiện tại không chỉ đáp ứng được nhiệm vụ quản lý điều hành mà còn tránh được tình trạng lãng phí ngân sách, nhất là đầu tư công, bởi 2 ngành này đều tham mưu, triển khai, tổ chức và phối hợp thực hiện nhiều dự án có mức đầu tư lớn.

Từ những đánh giá trên, liên quan việc hợp nhất các sở là chưa phù hợp, cần phải có lộ trình để tính toán, nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các sở như hiện nay; từ đó xác định rõ và đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các sở trong thời gian qua, nhận định đúng những khó khăn, tồn tại, bất cập; tham khảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các địa phương để đưa ra lộ trình và thực hiện cho phù hợp.

Tại Thông báo 228 ngày 27/4/2017 trong buổi làm việc về cơ chế tự chủ của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (đơn vị làm mô hình điểm), cùng với các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án tự chủ cho 7 bệnh viện trên địa bàn tỉnh; phối hợp với sở, ngành ban hành văn bản quy định trình tự Đề án xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh công lập theo Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển y tế.

Cơ chế tự chủ: Còn những bất cập

Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 1.836 đơn vị sự nghiệp. Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Nghệ An đã thực hiện tự chủ: Có 6 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 1.780 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 44 đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo 100% ngân sách.

Theo lộ trình, năm 2017 đã có 8 đơn vị sự nghiệp của ngành Y tế tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2017 - 2019 gồm các Bệnh viện: Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Sản - Nhi Nghệ An, Ung bướu, Nội tiết, Phục hồi chức năng, Đa khoa Tây Bắc, Đa khoa Tây Nam và Đa khoa TP Vinh. Hiện, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã có Quyết định 6526 ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh giao quyền tự chủ, từng bước tiến tới từ tự chủ (nhóm 2) đến tự chủ hoàn toàn (nhóm 1); các đơn vị còn lại Sở Y tế đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đánh giá chung của Sở Tài chính trong thực hiện cơ chế tự chủ, hiện nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tự chủ mới chỉ dừng lại tự chủ kinh phí được ngân sách cấp. Nguyên nhân là do các đơn vị đang “quen” với cơ chế lâu nay là được Nhà nước “bảo hộ” trong bao cấp, khi chuyển sang phương thức tự chủ sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ thực hiện còn chậm; nhiều đơn vị có tâm lý ỉ lại, vẫn trông chờ vào ngân sách hỗ trợ, không chịu thoát ly “bầu sữa” ngân sách của tỉnh, Trung ương và của ngành.

Nêu quan điểm về chủ trương này, ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình cải cách hành chính. Vì vậy, tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nhất là đối với ngành Y tế. Tự chủ là giải pháp tốt để đơn vị có điều kiện thu hút thêm các nguồn lực để phát triển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời là “cơ hội” mang tính giải pháp để các đơn vị thay đổi thái độ, phong cách phục vụ bệnh nhân; từ đó tạo thêm nguồn lực về tài chính trong cải thiện nguồn thu, chủ động về tài chính để họ có quyền đưa ra định mức chi trả nhằm tăng thu nhập cho người lao động, giảm áp lực ngân sách cho tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng nhìn thấy rằng, trong lộ trình thực hiện, trước mắt sẽ giảm nguồn hỗ trợ ngân sách cho các đơn vị để từng bước tháo gỡ khó khăn, cùng với việc ưu tiên hỗ trợ cho các đơn vị này đầu tư cơ sở vật chất để cơ chế tự chủ được thực hiện một cách bền vững”.

.

Xuân Thống

.