Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201701/giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-tap-the-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-719660/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201701/giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-tap-the-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-719660/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể: Cần nhiều giải pháp đồng bộ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 19/01/2017, 14:52 [GMT+7]

Giải quyết tranh chấp lao động tập thể: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

(Congannghean.vn)-Những năm qua, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các loại hình sản xuất kinh doanh và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn đi liền với việc phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Do đó, tranh chấp lao động xảy ra như một tất yếu khách quan mà nếu không quan tâm giải quyết, không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp (DN) mà còn gây ra nhiều hệ lụy về ANTT và các vấn đề xã hội khác.

Đại diện Công ty TNHH Matrix Vinh đối thoại với công nhân để giải quyết tranh chấp
Đại diện Công ty TNHH Matrix Vinh đối thoại với công nhân để giải quyết tranh chấp

Đình công - hệ quả của tranh chấp lao động

Thực tiễn cho thấy, đa số các cuộc đình công trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng xảy ra khi người lao động (NLĐ) hoặc tập thể NLĐ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ không được đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ đình công diễn ra một cách tự phát, không đảm bảo trình tự, thủ tục pháp luật. Do vậy, những tranh chấp tập thể đó chỉ là sự ngừng việc tập thể và lãn công do tự phát từ phía NLĐ.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, nhìn chung, các DN trên địa bàn tỉnh đều cố gắng đảm bảo trên mức lương tối thiểu theo quy định cho NLĐ. Tuy nhiên, tình trạng DN vi phạm pháp luật lao động như thời gian tăng ca quá dài theo quy định, không đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ hoặc nợ đọng kéo dài, vi phạm về ATVSLĐ... vẫn đang diễn ra; gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Đây là tác nhân chính dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ lao động mà đình công là biểu hiện trực tiếp.

Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật của một bộ phận lao động còn hạn chế, cộng với việc không nắm rõ tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng là nguyên nhân dẫn đến đình công, lãn công tự phát…

Tăng cường đối thoại và vai trò của Công đoàn

Xuất phát từ thực tế trên, một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN, qua đó giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể là nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ.

Thời gian qua, hoạt động của nhiều tổ chức Công đoàn trong các DN đã phát huy hiệu quả tích cực trong vấn đề trên. Theo đó, Công đoàn các cấp đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong NLĐ dưới nhiều hình thức; trong đó tập trung vào các chuyên đề về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, ATVSLĐ, Luật BHXH, BHYT… Tuy nhiên, trong số trên 6.000 DN đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh tính đến đầu tháng 6/2016, mới chỉ có 400 DN có tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó, để hạn chế và phòng ngừa tranh chấp lao động trong các DN, Liên đoàn Lao động tỉnh còn chủ trương thành lập các tổ tư vấn pháp luật tại một số khu kinh tế; tập huấn, đào tạo nghiệp vụ tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp dân sự cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, cán bộ nhân sự và công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có đông lao động. Các cấp Công đoàn cũng chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, thương lượng giữa đại diện NLĐ và chủ sử dụng lao động trong các vụ đình công.

Đơn cử như vụ đình công tại Công ty BSE đóng tại KCN Nam Cấm với gần 5.000 lượt công nhân lao động tham gia. Sau cuộc đối thoại, công nhân đã đi làm trở lại. Còn tại Công ty Matrix Vinh, nhờ nắm bắt được thông tin NLĐ chuẩn bị đình công, các cấp Công đoàn đã tư vấn cho DN ra thông báo giải quyết kiến nghị và lùi thời gian làm việc nên đã không để xảy ra đình công.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo ông Nguyễn Tử Phương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, khi Hiệp định TPP được thực hiện, vấn đề lao động sẽ chịu tác động trực tiếp của rất nhiều yếu tố. Bên cạnh nhiều cơ hội phát triển, sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN sẽ đi liền với quá trình đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó dẫn đến sự tinh giản lao động... Lúc này, tình trạng nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, bị thay đổi việc làm... tất yếu sẽ dẫn đến tranh chấp lao động gia tăng.

Để ngăn chặn nguy cơ trên, việc tổ chức đối thoại giữa DN với NLĐ được xem là một trong những giải pháp tốt nhất. Để hoạt động này mang lại hiệu quả cao, việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở có trình độ, tâm huyết, vì sự phát triển chung của DN và quyền lợi thiết thực của NLĐ là rất cần thiết.

Thực tế cho thấy, tranh chấp giữa tập thể NLĐ và chủ sử dụng lao động trong phạm vi DN, dẫn đến đình công và ngừng việc tập thể không chỉ tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới ANTT trên địa bàn. Bởi vậy, thời gian tới, việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và hoạt động đối thoại tại nơi làm việc trong các DN cần được quan tâm hơn nữa nhằm phục vụ tốt sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

.

Thùy Dương

.