Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/khoa-hoc-cong-nghe/201701/gan-san-xuat-nong-nghiep-sach-voi-ung-dung-cong-nghe-cao-719052/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/khoa-hoc-cong-nghe/201701/gan-san-xuat-nong-nghiep-sach-voi-ung-dung-cong-nghe-cao-719052/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gắn sản xuất 'nông nghiệp sạch' với ứng dụng công nghệ cao - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 16/01/2017, 10:08 [GMT+7]

Gắn sản xuất 'nông nghiệp sạch' với ứng dụng công nghệ cao

(Congannghean.vn)-Chủ trương “Hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn” gắn với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện đồng bộ trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trước “vấn nạn” thực phẩm bẩn, rau ngâm tẩm hoá chất độc hại thì công tác xúc tiến xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại cho năng suất cao đang được khuyến khích nhân rộng.

Tổng đội TNXP 10 tuyển chọn, ươm giống chè Tuyết Shan để trồng nhân rộng ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn
Tổng đội TNXP 10 tuyển chọn, ươm giống chè Tuyết Shan để trồng nhân rộng ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn

Ngày 17/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Theo Quyết định này thì đến năm 2020, cả nước sẽ thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ đẩy mạnh phát triển các công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Ngoài ra, cả nước sẽ hình thành và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng thêm 1 - 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 2 - 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm.

Thực hiện Quyết định 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Nghệ An đã tập trung chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi… có chất lượng cao nhằm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhiều địa phương đã nhanh chóng chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, xây dựng những mô hình thí điểm để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Sự chung tay vào cuộc giữa các mối liên kết của nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp bắt đầu phát huy hiệu quả. Từ quy trình chọn giống, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đến bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu được triển khai đồng bộ. Các loại sản vật có tiềm năng và lợi thế phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, từng miền cũng được tuyển chọn, nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng đại trà.

Qua đó, thực hiện chủ trương chung của cả nước, Nghệ An cũng đang hướng tới việc đầu tư vào nghiên cứu, tuyển chọn các loại cây trồng, vật nuôi nội địa, tiến tới giảm dần xu hướng phải phụ thuộc vào giống ngoại nhập.

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao ở lĩnh vực này đã cho kết quả cao. Cụ thể như thương hiệu “Lúa gạo xứ Nghệ” sau khi được Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa do Phan Văn Hòa làm Giám đốc ký mua bản quyền giống lúa AC5 với Viện Cây lương thực, khách hàng trong và ngoài nước tìm đến ngày một tăng; Dự án chăn nuôi bò sữa tại Đông Hiếu (TX Thái Hoà) của Công ty CP Vinamilk; Dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn của Công ty CP thực phẩm sữa TH...

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc triển khai hiệu quả công tác ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chính là góp phần nâng cao giá trị kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này cũng là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của toàn tỉnh. Thời gian tới, để thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì cần sự quan tâm hơn nữa của nhà khoa học cùng các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì các cấp, ngành cần sớm tháo gỡ khó khăn như triển khai các gói vay ưu đãi hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này. Hơn nữa, việc khâu nối, hình thành các vùng liên kết khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho ra những sản phẩm “sạch” cũng cần sớm triển khai. Mặt khác, tỉnh cũng nên có chính sách ưu đãi, lựa chọn và thu hút những doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn.

.

Ngọc Thái

.