(Congannghean.vn)-Trên thực tế, chuyển đổi mô hình quản lý chợ là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình chuyển đổi vẫn còn chậm trễ do nhiều vướng mắc.
Hiệu quả bước đầu
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 405 chợ, phần lớn là mô hình do Nhà nước quản lý. Thực tế này bộc lộ nhiều tồn tại như bộ máy quản lý chợ hoạt động thiếu chuyên nghiệp, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo ANTT tại các chợ còn hạn chế. Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy chợ với thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng.
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ giúp hạn chế những bất cập về công tác PCCC tại các chợ - ảnh minh họa |
Trước những hạn chế, bất cập nêu trên, thực hiện Quyết định 1756/QĐ.UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025, Sở Công thương đã xây dựng dự thảo “Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, quy định về quy trình chuyển đổi mô hình chợ từ ban, tổ, xã, phường, thị trấn, tư nhân quản lý chợ sang mô hình kinh doanh (thành lập theo Luật Doanh nghiệp), HTX (thành lập theo Luật Hợp tác xã) kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
Thực hiện chủ trương trên, từ khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý, với sự đầu tư mạnh mẽ và toàn diện, cơ sở hạ tầng của chợ Giát (huyện Quỳnh Lưu) ngày càng hiện đại, thu hút hơn 820 hộ vào kinh doanh, buôn bán. Theo đó, việc đóng góp ngân sách của chợ cũng tăng lên đáng kể (từ 30 - 40%). Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn PCCC, ANTT, ATVSTP cũng được chú trọng thực hiện.
Bên cạnh những mặt tích cực nói trên, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn phát huy hiệu quả trong việc giải quyết địa điểm kinh doanh cho nhiều hộ tiểu thương và hạn chế tình trạng chợ cóc, buôn bán lấn chiếm hành lang ATGT. Đơn cử như chợ nông sản phía tây chợ Vinh, đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) được biết đến là chợ đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của chợ đã tạo địa điểm kinh doanh ổn định cho gần 500 hộ tiểu thương, đồng thời giải quyết tình trạng mua bán hàng hóa tràn lan tại khu vực đường Hồng Sơn và trước cổng chợ Vinh. Nhờ đó, mỹ quan đô thị, tình hình ANTT, trật tự ATGT cũng được đảm bảo.
Đẩy nhanh tiến độ nhưng cần thận trọng
Thực hiện việc chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển đổi 50% số chợ trên địa bàn tỉnh sang mô hình doanh nghiệp HTX khai thác, kinh doanh và quản lý chợ. Trong đó, 100% các chợ đầu mối, chợ hạng 1, hạng 2, chợ tại các phường, trung tâm thị trấn các huyện thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, HTX khai thác, kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2016, mới chỉ có 16 chợ trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình quản lý trên tổng số 405 chợ; trong đó có 7 chợ do HTX quản lý và 9 chợ do doanh nghiệp quản lý, chiếm 4% tổng số chợ đang hoạt động.
Theo bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công thương, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa nhận được sự đồng tình cao của UBND các xã, phường, ban quản lý chợ và thiếu mặn mà của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc phát triển xã viên của nhiều HTX quản lý chợ còn hạn chế, dẫn đến vốn huy động thấp và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Do vậy, thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh còn chậm.
Xã hội hóa công tác đầu tư, khai thác kinh doanh và quản lý chợ góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh, buôn bán và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường tại các chợ. Tuy nhiên, dù yêu cầu đặt ra là phải tiến hành khẩn trương nhưng công tác này đòi hỏi tính thận trọng, bền vững, đảm bảo hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ; trong đó cần dựa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những địa phương làm tốt để nhân rộng.