Kinh tế xã hội

Trồng chanh leo ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Mô hình mới cho hiệu quả cao

15:40, 10/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Kỳ Sơn có điều kiện về đất đai và tiểu vùng khí hậu đặc biệt rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển, nhất là các loại cây trồng ưa thích khí hậu mát mẻ. Một trong những giống cây đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây là cây chanh leo.

Cây chanh leo cho năng suất cao khi trồng ở huyện Kỳ Sơn
Cây chanh leo cho năng suất cao khi trồng ở huyện Kỳ Sơn

Bắc Lý và Mỹ Lý là hai xã biên giới, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 55 km về phía Tây Bắc, có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, nằm trong vùng khí hậu ôn đới ẩm, nhiệt độ bình quân 16,5 - 180C, cao nhất là 38,50C, thấp nhất 50C. Trong năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hai xã có tổng diện tích tự nhiên 32.578,68 ha, là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, với 2.055 hộ, 9.998 nhân khẩu.

Tuy có diện tích rộng nhưng đất sản xuất nông nghiệp ở đây lại chiếm tỉ lệ rất ít, chỉ có 2.642 ha; trong đó lúa rẫy 1.626 ha, lúa ruộng 49 ha, ngô và các loại màu khác 967 ha.

Đời sống kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu là phát nương làm rẫy. Do tập quán canh tác của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu nên từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,2 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, việc khai thác phát huy nội lực còn hạn chế, địa hình núi dốc hiểm trở, tư tưởng ngại khó vẫn còn nặng nề…  

Được sự quan tâm của UBND huyện cấp kinh phí giao Hội Nông dân huyện chỉ đạo xây dựng 2 mô hình trồng thử nghiệm cây chanh leo giống Đài Nông 1 tại bản Phà Coóng, xã Bắc Lý và bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý trên diện tích 0,6 ha với 12 hộ dân tham gia, vào cuối tháng 4/2016, cây chanh leo đã được đưa vào trồng.

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một phần kinh phí do các hộ dân tham gia đầu tư. Ngoài ra, các hộ còn được cán bộ Hội Nông dân huyện kết hợp với Công ty CP chanh leo NAFOODS tập huấn từ khâu thiết kế lô, khoảng cách trồng, đào hố, trồng, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch. Từ khi xuống giống đến nay, lãnh đạo UBND huyện, Huyện hội và cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống kiểm tra, bám nắm địa bàn.

Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nên cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt. Sau gần 5 tháng tích cực chăm sóc đúng kỹ thuật, đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, với trọng lượng khoảng 10 quả/kg. Điều mà các hộ phấn khởi nhất khi trồng chanh leo là không phải lo về đầu ra, sản phẩm làm ra được Công ty CP chanh leo NAFOODS ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.  

Theo đánh giá của các hộ được chọn làm mô hình, cây chanh leo thích nghi tốt trên đất rẫy dốc, ít bị sâu bệnh, đặc biệt lại là cây lưu niên cho thu hoạch quả liên tục từ 3 - 4 năm, đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Trước đây, cũng trên diện tích này, các hộ gia đình đã trồng nhiều loại cây như ngô, lúa rẫy… nhưng đều cho năng suất thấp, không được giá nên thu nhập không đáng kể.

Theo tính toán, nếu cây chanh leo được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt, sản lượng sẽ đạt 34 - 35 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tối thiểu đạt gần 140 triệu đồng/ha/năm.

Ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý khẳng định, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế bằng cây chanh leo. Ưu điểm lớn nhất của loại cây này là quá trình sinh trưởng nhanh, đạt sản lượng cao ngay trong vụ đầu tiên, rất dễ trồng và chăm bón. Trong khi so với mô hình cây bưởi Diễn mà xã đang trồng ít nhất cũng phải mất khoảng 3 - 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, lãi chỉ từ 14 - 15 triệu đồng/ha/năm. Thấy trồng cây chanh leo hiệu quả cao như vậy, đồng bào muốn trồng nên sắp tới xã sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân làm theo để thay thế cây trồng khác có năng suất thấp, góp phần giúp đồng bào thoát nghèo nhanh và bền vững.

Quả chanh leo được trưng bày tại Hội thảo mô hình trồng chanh leo ở huyện Kỳ Sơn
Quả chanh leo được trưng bày tại Hội thảo mô hình trồng chanh leo ở huyện Kỳ Sơn

Ông Lô Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết: Mô hình đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế như người dân mong đợi, gợi mở cho địa phương một hướng sản xuất mới. Điều đặc biệt là, qua thực hiện mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, quan điểm, cách nghĩ, cách làm mới trong sản xuất của bà con nông dân. Ngoài mô hình ở 2 xã Bắc Lý và Mỹ Lý, Trạm Khuyến nông huyện còn chỉ đạo mô hình ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống trên diện tích 0,2 ha, với 2 hộ tham gia.

Từ kết quả của mô hình mang lại, Hội sẽ chỉ đạo các hội cơ sở tổ chức tham quan để học tập, nhân rộng mô hình ra các vùng có điều kiện tương tự nhằm tận dụng tối đa nội lực sẵn có tại địa phương. Hội đang kiến nghị với Thường trực Huyện uỷ - HĐND - UBND cho chủ trương liên kết với Công ty CP chanh leo NAFOODS xây dựng đề án mở rộng phạm vi xây dựng mô hình và xác định quy hoạch vùng trồng trong tương lai. Tuy nhiên, việc phát triển cây chanh leo cũng phải thực hiện theo từng bước hợp lý sao cho đạt hiệu quả cao nhất…

Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các cấp, ngành huyện Kỳ Sơn để tìm ra cây trồng mới giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao sang phát triển cây chanh leo theo hướng hàng hóa đang là hướng đi mới, đúng đắn.

Với hiệu quả thiết thực đem lại, trong tương lai không xa, cây chanh leo sẽ tạo ra hướng đi mới trong công tác giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Trần Đức - Duy Thành

Các tin khác