Kinh tế xã hội

Chuyển đổi hợp tác xã: Còn gặp nhiều khó khăn

07:54, 06/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 năm triển khai Luật Hợp tác xã (HTX) 2012, một số HTX kiểu mới đã bước đầu hình thành, thay thế dần những HTX kiểu cũ. Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển đổi, tổ chức lại HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ số lượng các HTX chưa chuyển đổi chiếm đa số mà ngay cả tại các HTX đã chuyển đổi, hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao. Làm thế nào để quá trình chuyển đổi đi vào thực chất, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” đang là “bài toán” không đơn giản với các cấp ngành, ban quản lý và chính các thành viên của HTX.

Đoàn khảo sát tham quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất của các HTX tại cơ sở
Đoàn khảo sát tham quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất của các HTX tại cơ sở

Tại Khoản 2, Điều 62, Luật HTX năm 2012 quy định về điều khoản chuyển tiếp HTX: “HTX, liên minh HTX thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành”. Theo luật định, đến ngày 30/6/2016, bắt buộc tất cả các HTX đều phải tổ chức và hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012.

Thực hiện theo luật định, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các huyện, thành phố tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các HTX chuyển đổi tổ chức đăng ký lại, nhưng kết quả vẫn thấp so với yêu cầu.

Tính đến nay, số HTX, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh là 689; trong đó có 511 HTX nông nghiệp, 135 HTX phi nông nghiệp, 57 quỹ tín dụng nhân dân. Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, tính đến nay, số HTX chuyển đổi là 339 (đạt tỉ lệ 50%), số HTX giải thể là 47. Như vậy vẫn còn gần 50% HTX chưa triển khai theo Luật HTX năm 2012.

Điều đó cho thấy, lộ trình chuyển đổi HTX theo Luật năm 2012, cụ thể là Đề án đổi mới, phát triển HTX tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020 của UBND tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay có nhiều huyện số lượng HTX chuyển đổi chưa đạt như mục tiêu đề ra. Trong đó đáng chú ý là huyện Nghĩa Đàn mới có 2/10 HTX đã chuyển đổi, Con Cuông 11/33 HTX đã chuyển đổi.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc chậm chuyển đổi, tổ chức đăng ký lại hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh. Trước hết là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhiều; công tác tuyên truyền Luật của các cấp, ngành, địa phương chưa tích cực dẫn đến nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và người dân về Luật HTX 2012 vẫn còn rất mơ hồ. Trong khi đó, công tác phối hợp triển khai giữa các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn chưa nhất quán; sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn cũng gây sự lúng túng cho các HTX trong công tác tổ chức lại hoạt động theo luật định. Trong khi các HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện nay, tại các HTX, đội ngũ cán bộ Ban quản lý HTX đa số chưa qua đào tạo chính quy và nghiệp vụ chuyên môn trước khi đảm nhận việc quản lý HTX. Nhất là tại các HTX nông nghiệp, phần lớn cán bộ đều chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn chủ yếu là sơ cấp, trung cấp. Do đó, bộ máy quản lý, điều hành các HTX còn yếu, chưa có chiến lược, chưa xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh có tính thời hạn.

Đó là chưa kể đến, nhiều HTX hoạt động theo luật cũ đã yếu kém và sau một thời gian chuyển đổi vẫn chưa thể khá hơn, nhất là các HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, vẫn còn tình trạng chuyển đổi theo hình thức, chưa có sự phát triển thực chất.

Bởi trên thực tế, tuy đã chuyển đổi, song HTX vẫn chưa thể phát triển tương xứng tiềm năng do nhiều nguyên nhân như: Nguồn vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ nguồn nhân lực hạn chế, chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng với hình thức tín chấp.

Trong khi, việc chuyển đổi đôi khi chỉ dừng lại ở việc thay tên gọi ban chủ nhiệm thành ban quản trị, chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm thành giám đốc, phó giám đốc theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Còn những vấn đề cốt lõi như vốn quỹ, tài sản, đất đai, công nợ, trách nhiệm và quyền lợi thành viên... vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Mai Hậu

Các tin khác