Khoa học - Công Nghệ
Vì sao bạn luôn khát nước trước khi ngủ?
Các nhà nghiên cứu Canada đã tìm ra những bằng chứng cho thấy đồng hồ sinh học của cơ thể là lý do khiến chúng ta luôn khát nước ngay trước khi đi ngủ. Họ giải thích rằng cơ thể đã kích hoạt các nơ ron gây khát để chúng ta uống nhiều nước và giữ nước suốt đêm.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này sẽ giúp con người có được cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng của nhịp điệu sinh học đến các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như đi máy bay làm lệch múi giờ hay thay đổi trong công việc.
Uống nước trước khi ngủ sẽ khiến bạn khỏe mạnh hơn khi tỉnh giấc. Nguồn ảnh: livestrong |
"Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ được thực hiện trên loài gặm nhấm, nhưng nó cũng sẽ giúp giải thích nguyên nhân vì sao con người cũng thường có xu hướng uống các loại chất lỏng như sữa hoặc nước trước khi đi ngủ", theo lời của nhà khoa học Charles Bourque đến từ Đại học McGill cho biết.
Trước đây, các nhà khoa học nhận thấy rằng những con chuột luôn cố gắng uống nước trước khi ngủ mặc dù chúng không hề bị mất nước. Nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Họ đã chặn những con chuột không cho chúng tiếp cận với nguồn nước uống trước khi ngủ. Kết quả là sau khi thức dậy, chúng bị mất nước hơn rất nhiều so với những con chuột thông thường.
Điều này cho thấy lượng nước mà những con chuột uống trước khi ngủ sẽ có chức năng giúp duy trì hoạt động của nhịp điệu sinh học trong suốt quá trình ngủ. Chính vì thế, cơ thể luôn kích hoạt cảm giác khát trước khi ngủ mặc dù nó không hề bị mất nước.
Bộ não có thể cảm nhận được khi nào cơ thể cần nước. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng vùng não hạt nhân suprachiasmatic (SCN) chịu trách nhiệm về nhịp sinh học cũng có thể kích hoạt những tế bào thần kinh tạo cơn khát thôi thúc những con chuột tìm kiếm nước.
Họ đã thử nghiệm điều này bằng cách tìm kiếm những hóa chất thần kinh có tên là vasopressin được sản xuất trong vùng SCN và có chức năng kiểm soát giữ nước và cầm máu. Các nhà khoa học tìm kiếm vasopressin bằng những tế bào đặc thù có tên là sniffer.
Những tế bào sniffer sẽ sáng lên khi chúng tiếp xúc với những hóa chất cụ thể. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu tiêm tế bào sniffer đã được xử lý riêng cho mục đích tìm kiếm vasopressin vào vùng SCN của những con chuột.
Ngay sau khi vùng SCN được kích hoạt, các tế bào sniffer sáng lên, chứng minh vasopressin đã được sản xuất với số lượng cao khi đồng hồ sinh học của cơ thể được kích thích. Sau đó, vasopressin tác động vào những tế bào thần kinh khát, khiến cho những con chuột đi tìm kiếm nguồn nước mặc dù cơ thể chúng không thật sự cần.
Điều này có nghĩa rằng đồng hồ sinh học của chuột – tức vùng SCN – trước khi bắt đầu ngủ sẽ kích hoạt não để tìm ra các nguồn lực cần thiết như nước để tồn trữ, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh trong thời gian dài nghỉ ngơi.
Theo khampha.vn