Kinh tế xã hội

Dân điêu đứng vì dự án phá sản

16:29, 08/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dự án hỗ trợ người dân ở bản Nam Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông xóa đói, giảm nghèo, nhưng đến nay hàng vạn cây mây giống đang chết già vì chẳng ai đến thu mua. Trong khi trước đó, người dân được dự án hứa hẹn sẽ được bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Theo tính toán của các hộ ươm mây, tại vườn ươm của tổ ươm mây giống ở bản Nam Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông hiện có hơn 1,2 vạn cây mây giống đã quá ngày xuất bán hơn 8 tháng nay. Ông Lô Văn Báo, người phụ trách vườn ươm giống mây cho biết: Dự án được triển khai từ đầu năm 2014, nhằm phát triển chuỗi giá trị của cây mây, cây lùng được thực hiện trên địa bàn. Dự án do Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội phối hợp với tổ chức OSPAM Hồng Kông đầu tư thực hiện.

Mây giống đã quá tốt nhưng chưa có người mua
Mây giống đã quá tốt nhưng chưa có người mua

Theo các thành viên nhóm các hộ ươm mây giống cho biết, khi triển khai dự án, đại điện của Viện Nghiên cứu Giống cây trồng có hứa hẹn sẽ thu mua mây giống. Đối tượng tham gia là các gia đình đặc biệt khó khăn, thiếu lao động chủ chốt trong bản. Nhưng vận động mãi bà con vẫn không tham gia. Trước tình hình đó, Chi hội Cựu chiến binh bản Nam Đình đứng ra đảm nhận. Lúc đầu có 21 hộ hội viên đăng ký, nhưng sau đó chỉ có 7 hộ tham gia trồng mây giống. Bà con mua mét về làm rào chắn và lấy đất, mua túi nilon về ươm và thay nhau chăm bón.

7 luống mây giống được bà con chăm tưới đã nảy mầm và sinh trưởng xanh tốt. Theo hướng dẫn, sau 1 năm sẽ xuất mây giống theo hợp đồng. Lứa đầu tiên chính quyền huyện Con Cuông có tổ chức thu mua mây giống của nhóm nói trên đem phân phát cho những hộ người Đan Lai tái định cư ở xã Thạch Ngàn trồng. Đến tháng 11/2015, dự án ươm mây giống kết thúc. Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 3/2015, dự án vẫn đem hạt giống, phân bón, tiền hỗ trợ (mỗi tháng 400.000 đồng/tổ) phát cho các hộ ươm mây để sản xuất vụ mới. Nhưng khi mây đến tuổi xuất bán thì người dân không biết liên hệ bán đi đâu, cho ai?

Dự án ươm cây kết thúc giữa chừng khiến những thành viên trong nhóm cảm thấy như bị lừa. Nhiều người trong nhóm bức xúc cho rằng, đây là dự án “mây đen”, “mây mù” và hết sức bất bình kiểu vận động rồi “mang con bỏ chợ”... Ông Lô Văn Báo bức xúc: “Nếu biết thế này thì chúng tôi không ươm làm gì, diện tích đó để trồng chuối, trồng cỏ nuôi lợn, nuôi bò còn hơn”. Ông Báo cho biết thêm: Theo dự án, đến tháng 2/2016, số mây đợt cuối sẽ được xuất vườn, nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai đến nhận. Hỏi xã, hỏi huyện, hỏi phòng Nông nghiệp mãi không thấy động tĩnh. Nhiều lần họp quân dân chính xã, ông Báo đã thông tin sự bức xúc của bà con ươm mây giống cho Bí thư, Chủ tịch xã và nhờ xã giúp đỡ nhưng đợi mãi vẫn không thấy sự hồi âm. Một số hội viên đã định mua xăng về đốt lấy tro bón mạ. Tổ ươm phải liên hệ với một số huyện bạn và may họ mua cho nhưng giá quá rẻ, chỉ bằng 1/3 - 1/4 giá ban đầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: Dự án trồng mây chỉ hỗ trợ hạt giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Mục tiêu của dự án là tổ chức đào tạo nghề mây tre đan cho người dân, nhưng đến nay không còn nhiều người hoạt động nên không thể thành lập tổ nghề. Mặt khác, do một số cán bộ phụ trách dự án trước đây đã chuyển công tác khác cũng là nguyên nhân khiến những hộ ươm mây giống ở Chi Khê không được quan tâm đúng mức. Trong hoàn cảnh đó, lẽ ra người dân nên chủ động tìm người mua bởi một số địa phương như Tương Dương, Kỳ Sơn vẫn có nhu cầu mua cây mây giống về trồng.

Được biết, trong thời gian qua, có khá nhiều dự án  như: Trồng ớt cay xuất khẩu, trồng đinh lăng và bây giờ là trồng mây được triển khai tại địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số khác tại huyện Con Cuông nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung thiếu thuyết phục. Để những chủ trương này phát huy hiệu quả, rất cần sự quan tâm đúng mức hơn của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành và các doanh nghiệp.

Phùng Văn Mùi

Các tin khác