Kinh tế xã hội

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm

08:29, 08/10/2016 (GMT+7)

Một trong những giải pháp được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa giao các Sở, ngành, địa phương là đẩy mạnh kích cầu, đưa ra các chương trình kích cầu tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm 2016.

Thực hiện kích cầu, không thực hiện bình ổn giá

Kết quả kinh tế-xã hội trong 9 tháng năm 2016 của TP. Hà Nội được đánh giá là thể hiện sự quyết tâm đổi mới của lãnh đạo Thành phố trong chỉ đạo, điều hành và sự quyết liệt của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù còn khó khăn, dự kiến tăng trưởng của TP. Hà Nội trong năm 2016 theo cách tính mới sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Minh chứng cho sự tăng trưởng chung của Thành phố là trong lĩnh vực công nghiệp giữ được tăng trưởng 6,69%, một số ngành sản xuất tăng trưởng cao như trang phục, thuốc hoá dược, kim loại, giường, tủ, bàn ghế… Về thương mại, thị trường ổn định, lượng hàng hoá dồi dào, giá cả được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn bình quân tăng 2,25%, thể hiện sự điều hành ổn định kinh tế của Thành phố.

Có được kết quả như vậy là do Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hoá trong thực hiện hành chính công, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, tiêu biểu trong lĩnh vực quản lý dân cư, tư pháp, đăng ký kinh doanh, quản lý học sinh, quản lý hệ thống văn bản và hồ sơ công việc; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại các quận, huyện; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2016, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8,5%-9% theo kế hoạch đặt ra của cả năm thì toàn TP. Hà Nội phải đạt mức tăng trưởng trên 10,5% trong 3 tháng cuối năm. Trong 3 tháng cuối năm là thời gian nước rút để hoàn thành nhiệm vụ năm, bằng các giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu…

Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong Phiên họp Chính phủ vào đầu tháng 10/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh những trọng tâm trong 3 tháng cuối năm Thành phố cần triển khai để bảo đảm thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội của năm 2016. Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị lãnh đạo các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt trong các giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016 và các giải pháp liên quan đến an sinh xã hội.

Một trong những giải pháp Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương là phải kích cầu tiêu dùng. Nội dung này được giao cho Sở Công Thương để đề xuất các giải pháp liên quan đến tháng khuyến mại, giảm giá… Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị từ nay đến cuối năm các Sở, ngành, quận, huyện đưa ra các chương trình kích cầu tiêu dùng trong người dân.

Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đã có chủ trương đầu tư, có giấy phép đầy đủ tiến hành khởi công để giải ngân các dự án. Những dự án thuộc thẩm quyền của các quận huyện cần chú ý đẩy nhanh tiến độ thi công để đẩy mạnh giải ngân tiền xây dựng cơ bản; đôn đốc nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đặc biệt là nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để chuẩn bị cho Tết Âm lịch năm 2017, Thành phố sẽ tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm với tất cả hàng nông sản thực phẩm phục vụ Tết. Năm nay, Thành phố đã quyết định không thực hiện các giải pháp bình ổn giá để bảo đảm bình đẳng trên thị trường, thay vào đó tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm với tất cả doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội với các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, cho người dân tiêu thụ các mặt hàng, ông Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã ngay từ bây phải xem xét, bố trí mặt bằng sau đó công bố công khai để giúp người dân trên địa bàn có điều kiện đưa mặt hàng nông sản thực phẩm, hoa, cây cảnh tiêu thụ. Thành phố khuyến khích một số doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã miền núi của Thành phố.

Giải pháp số một vẫn là CCHC

Tại hội nghị lần thứ VI Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVI vừa tổ chức, TP. Hà Nội đã xác định cần quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 3 tháng cuối năm.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, trong 9 tháng năm 2016, Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 3,36 triệu USD. Tuy nhiên con số này chủ yếu là mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới, tỷ lệ rất thấp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã có. Hiện nay, toàn Thành phố còn 28 cụm công nghiệp dở dang do các nhà đầu tư không đẩy nhanh tiến độ đầu tư; có 8 khu công nghiệp vẫn chưa quyết định được chủ đầu tư. Đây là vấn đề Thành phố cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Một vấn đề nữa là tồn kho trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1/9/2016 tăng 35,7% so với cùng kỳ. Một số ngành sức tiêu thụ sản phẩm còn chậm, nhiều khó khăn, chưa tìm kiếm được nhiều thị trường mới nên mức tồn kho cộng dồn tương đối cao như: Dệt tồn kho tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 42,7%, chế biến gỗ tăng 17,2%. Ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, ngành công nghiệp-xây dựng đang rất cần giải pháp tìm kiếm thị trường, giải quyết tồn kho của doanh nghiệp.

Từ những khó khăn nêu trên, ông Lê Hồng Thăng cho rằng, giải pháp số một vẫn là cải cách hành chính. Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện thu hút đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp, chủ trì đầu tư vào các chợ đầu mối. Sở Công Thương đã có kế hoạch cùng với Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và các quận, huyện thị xã để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nếu quyết liệt thực hiện, chỉ số thương mại dịch vụ trong 3 tháng cuối năm sẽ đạt từ 11-13%.

Theo ông Lê Hồng Thăng, trong các giải pháp sắp tới vẫn phải thực hiện các chính sách minh bạch hoá, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ về vốn và thị trường; thực hiện kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; các giải pháp mở rộng tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các chính sách về thuế, hỗ trợ lãi suất; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác