Kinh tế xã hội
Biến tướng đa cấp của Cộng đồng cho- nhận: Cho tiền thực, nhận tiền 'hơi'
Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng rộ lên quảng cáo các mạng lưới “cho- nhận” (công đồng M). Điển hình cho mô hình này là phiên bản STS6 với lời quảng cáo lợi nhuận lên đến 540%/năm.
Cách thức chơi như sau: người chơi nộp tiền vào tài khoản, đặt lệnh cho tiền với phí 150.000 đồng và đợi hệ thống cung cấp danh sách người nhận, sau đó chuyển tiền cho những người nhận và tới lượt đăng ký nhận tiền. Số tiền cho đi của mỗi lần là 6- 8 triệu đồng (tùy từng sàn).
Khi người nhận (những người chơi khác) xác nhận đã nhận tiền, giao dịch được hoàn tất và sau 8 - 10 ngày, người cho sẽ được chuyển về đầy đủ số tiền gốc và lãi suất tính trên số ngày chờ tiền về tài khoản với mức 1 - 1,5%/ngày (tương đương 360 - 540%/năm).
Lấy tiền người sau trả cho người trước, rủi ro của cộng đồng M lên tới 99,9% |
Để thu hút người chơi, trên trang web STS6, những lời quảng cáo “có cánh” ngập tràn: Đến với STS6 – Hệ thống luân chuyển sự giàu có (Cộng đồng M6), mức rủi ro hầu như không đáng kể (tối đa là 8 triệu đồng), giúp người chơi có thêm một dòng thu nhập đều đặn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng bên cạnh nguồn thu nhập hiện tại. Mô hình tài chính này hiện nay đang phát triển tại Việt Nam và thế giới và đang thu hút rất nhiều các nhà đầu tư cá nhân...
Cũng theo quảng cáo, STS6 được sáng lập bởi các chuyên gia Tài chính, Công nghệ hàng đầu của Nhật bản và Mỹ do nữ doanh nhân người Mỹ gốc Nhật Sami Tora là Giám đốc điều hành. STS6 là một cộng đồng kết nối toàn cầu, tại Việt Nam STS6 có hệ thống sever riêng để phù hợp với cộng đồng STS6 Việt Nam.
Để thuyết phục thêm khách hàng, trang web này còn “gạch đầu dòng” hơn chục điểm nổi bật của công ty như STS6 không phải là Công ty đa cấp; không phải là mô hình đầu tư tài chính; không có công ty; không có ông chủ; không có trụ sở văn phòng hay nhà máy; không bán hàng hóa hay sản phẩm. STS6 do một nhóm lập trình viên; do chuyên gia tài chính nước ngoài làm trọng tài
cuộc chơi; không thu tiền của bất kỳ ai. Là một phần mềm quản lý Luật chơi, STS6 tồn tại được nhờ mã pin; sử dụng tiền VND hoặc tiền điện tử Bitcoin để giao dịch. STS6 là Cộng đồng mong muốn giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau giữa trên hệ thống luân chuyển tài chính thông minh cho đi và nhận lại; thành viên đăng ký hoàn toàn miễn phí; dòng tiền luân chuyển cho và nhận được chuyển trực tiếp giữa các thành viên với nhau nên hoàn toàn minh bạch và rủi ro từ STS6 là hoàn toàn không có…
Theo lời quảng cáo, chúng tôi liên lạc với Hoàng- một người chơi. Hoàng cho biết mới tham gia nhưng mỗi tháng đã nhận được tới 50 triệu đồng. “Đây là sân chơi không tạo ra giá trị từ việc bán hàng hóa hay dịch vụ - vì sân chơi này không kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ, cũng chẳng mua gì của ai và cũng chẳng bán gì cho ai.
Nó chỉ hoạt động giữa trên phương thức cộng đồng luân chuyển sự trợ giúp với nhau - đây chính là mô hình Ponzi (không có phát sinh lợi nhuận từ việc bán hàng hóa/Dịch vụ...Lấy tiền của người vào sau trả tiền cho người vào trước). Hiện nay, mang lưới chúng tôi đã có trên 100 nghìn thành viên”- Hoàng khoe.
Tuy nhiên, nghe hấp dẫn, nhưng nếu nhìn lại hàng chục gạch đầu dòng như trên, người chơi dễ rơi vào “ma trận” hư thực mà điều đánh vào chủ yếu là lợi nhuận khủng, không hề có bất kỳ rủi ro nào trong khi lại được xây dựng và vận hành trên một cơ sở rất… hiện đại từ công nghệ đến yếu tố con người (Nhật Bản và Mỹ).
Chỉ cần người chơi nhẹ dạ, dĩ nhiên sẽ ném tiền vào theo kiểu được ăn cả, ngã về không, vì số tiền thực tế bỏ vào cũng không quá lớn, trong khi lợi nhuận lại cực khủng.
Tính một cách đơn giản, nếu mạng lưới nói trên có 100.000 người tham gia thì số tiền mà các thành viên cho đi tối thiểu trong một tháng là 660 tỷ đồng (mỗi lệnh cho tối thiểu là 6,6 triệu đồng). Với lãi suất 30%/tháng (1%/ngày), số tiền lãi mà toàn hệ thống phải có để chi trả cho người chơi là 198 tỷ đồng.
Để có đủ số tiền lãi này, ít nhất, tháng đó, hệ thống phải có thêm 30.000 tài khoản mới tham gia. Như vậy, nếu không có thêm người tham gia, hệ thống sẽ bị âm 198 tỷ đồng và bị sập là đương nhiên.
Trên các diễn đàn xã hội, bên cạnh những lời quảng cáo, chiêu dụ hấp dẫn, đã bắt đầu xuất hiện những lời chửi rủa, than vãn của người chơi trót cho tiền, nhưng chờ mãi chưa được nhận tiền về. Theo nhận định, trong cuộc chơi này, được lợi lớn nhất là “nhà cái” - người vận hành mạng lưới.
Mỗi lệnh chuyển tiền, nhà cái thu về mức phí 150.000 đồng. Nếu mạng lưới có 100.000 người tham gia, thực hiện 100.000 lệnh chuyển tiền thì số tiền thu về của nhà cái là 1 tỷ đồng.
Trên thực tế, trước khi các mạng lưới như STS6, X6… thành lập, rất nhiều sàn cho - nhận tương tự đã mọc ra, trả lãi đến 150%/tháng, nhưng rồi cũng nhanh chóng biến mất. Có thể kể đến những cái tên như MMM Asean, MMM Bank… Nguyên nhân khiến các sàn này sập chủ yếu là do không có người cho mới và nhiều người chơi cũ bỏ sàn.
Thực ra, mô hình lấy tiền người trước trả cho người sau không hề xa lạ và câu chuyện vỡ nợ của “siêu lừa” Madoff là 1 bài học nhãn tiền. Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, thực tế, các sàn cho - nhận là những biến tướng của mô hình lừa đảo đa cấp online, tương tự mô hình hoạt động của một số đồng tiền ảo cũng như các quỹ đầu tư tài chính thời gian gần đây như AMT VN, BXP, GSM, Tresk Global green…
Bởi vậy, người chơi cần phải hết sức cảnh giác, vì không thể có lợi nhuận nào “khủng” như thế được. Chưa kể, muốn huy động tiền của dân, các doanh nghiệp phải được cấp phép, song những mạng lưới trên đứng ngoài vòng pháp luật. Như vậy, người chơi càng rủi ro vì khi bất trắc xảy ra, họ không thể nhờ pháp luật can thiệp.
Nguồn: Báo CAND