Kinh tế xã hội
Chính phủ đã có sách lược ổn định, nhạy bén
Doanh nhân Nguyễn Anh Tài, nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn dự án sinh sống tại tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM, bày tỏ ý kiến này khi nghe báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội ngày 27/9.
Tôi hoàn toàn đồng tình và rất vui mừng nhận thấy đây không chỉ là một báo cáo cho thấy chúng ta phát triển ổn định bền vững mà đây còn là một chương trình hành động với sách lược thông minh trong tình hình hiện nay. Với kinh nghiệm là một nhà đầu tư thực tế và tư vấn đầu tư nước ngoài, tôi xin phân tích thêm những vấn đề trong suốt 6 tháng đầu năm với sự điều hành vừa qua của Chính phủ và những vấn đề gai góc sắp tới như nợ công, Biển Đông..
Tôi tán đồng việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng là 6,7% cho cả năm 2016. Dù chúng ta biết rằng, để làm được việc này thì những tháng còn lại của năm ta phải tăng khoảng 7,6% GDP (6 tháng đầu năm chúng ta chỉ tăng trưởng 5,52%). Một nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh khó lường của nền kinh tế thế giới và những bất ngờ như thiên tai bão lụt có thể xảy ra trong nước.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu ấy giữ nguyên là rất quan trọng vì, thứ nhất điều này thể hiện được bản lĩnh của Chính phủ mới trong điều hành cũng như xử lý những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn như 6 tháng vừa qua, hạn hán, ngập mặn, sự cố môi trường nặng nề ở 4 tỉnh miền Trung… Thứ hai, toàn bộ nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu nhằm đem lại lợi nhuận không chỉ cho doanh nghiệp mình mà còn đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Thứ ba, Chính phủ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng và được Quốc hội thông qua và nỗ lực phấn đấu đạt cho bằng được. Vấn đề quan trọng cuối cùng trong việc quyết giữ lại chỉ tiêu tăng trưởng là ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư.
Như chúng ta thấy, sự vững vàng, bình tĩnh trong xử lý các biến cố vừa qua của Chính phủ vừa mới kiện toàn quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế.
Chẳng hạn, khi xảy ra sự việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU, thị trường chứng khoáng thế giới chao đảo, thị trường Việt Nam cũng ảnh hưởng, VN-INDEX rơi từ 630 điểm còn 611 điểm, vàng tăng giá đột biến từ khoảng 35 triệu lên 40 triệu đồng/lượng. Nhưng tôi quan sát thấy “sức kháng cự” của Chính phủ ta là rất tốt, thị trường chứng khoán không chỉ ổn định lại ngay mà còn tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây tính từ năm 2008, có lúc thị trường tăng 681 điểm, và thị trường có xu hướng tăng trong dài hạn.
Vàng ổn định ngay tại vùng 36 triệu đồng/lượng sau động thái đại diện NHNN tuyên bố sẽ can thiệp nếu giá vàng tiếp tục bùng nổ tăng theo tâm lý người dân.
Nếu nền kinh tế vĩ mô chúng ta không kháng cự tốt với những diễn biến phức tạp như vừa qua thì các nhà đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài không thể liên tiếp bơm vốn vào nền kinh tế nước ta như vậy.
Qua thị trường bất động sản, cũng nhận thấy yếu tố ổn định và niềm tin vào Chính phủ. Dù dư nợ tín dụng ngân hàng chưa tăng cao như kỳ vọng trong 6 tháng nhưng thị trường bất động sản đã tăng trưởng rất tốt. Điều này thể hiện thực tế từ người mua dự án nhà chung cư, dự án đất… tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng dẫn theo thị trường vật liệu xây dựng tăng theo.
Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát không để xuất hiện thêm nợ xấu ngân hàng, giữ nhịp tăng trưởng cho thị trường bất động sản, tập trung giải ngân vốn ODA như Thủ tướng đốc thúc trong cuộc họp chuyên đề vừa rồi yêu cầu các bộ ngành thực hiện giải ngân hết 100% vốn trong 2016, nhưng phải chú trọng vào chất lượng vốn khi đưa vào các dự án.
Nhân đây, tôi cũng xin đề cập vấn đề nợ công. Tôi rất ủng hộ phát biểu mới đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “Chúng ta kiểm soát tốt trần nợ công là quan trọng rồi, nhưng quan trọng hơn là khả năng trả nợ, đến hạn trả không được lại vay cái mới đáo cái cũ thì nguy cơ”.
Thật ra, vấn đề vay nợ là để đầu tư, do chúng ta vừa qua đầu tư trên diện rộng mà lại đầu tư kém hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế xin cho, do tham nhũng nhưng nguyên nhân nữa theo tôi là do cơ chế xếp hạng đánh giá dự án để quyết định của các bộ, ngành, địa phương trong việc chọn dự án đầu tư. Chúng ta phải xây dựng bộ tiêu chí này. Là tiền vay, nên tiêu chí đầu tiên phải là tính khả thi kinh tế và lợi nhuận. Đầu tư là phải có lợi nhuận, lợi nhuận càng cao thì mới trả được nợ và lãi suất vay, còn lại sẽ đầu tư tiếp trong đó có đầu tư vào những công trình phúc lợi.
Kinh nghiệm cho thấy, có những con đường dài có 5-6 km thôi nhưng khi làm xong bật lên cả một khu vực, mang lại giao thương buôn bán thuận lợi vô cùng cho người dân. Có những dự án làm đòn bẩy cho cả vùng kinh tế. Như vậy, tiêu chí đòn bẩy trong đầu tư cũng nên tính đến. "Nước ta còn nghèo nên chắt chiu từng đồng tiền của người dân trong đầu tư" như lời phát biểu của Thủ tướng trong lễ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 hôm 26/7 vừa rồi.
Nguồn: Chinhphu.vn